Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ – BÍ MẬT ĐỂ THÀNH CÔNG (phần 03)

Đây sẽ là 1 chương khá là dài các bạn ạ. Bạn sinh ra trên đời, hẳn tạo hoá đã giao cho bạn một sứ mệnh dù có thể bạn không ý thức được điều đó. Bạn muốn thành công, nhất định phải tự hỏi: Sứ mệnh của bạn là gì? và Chương 3 sẽ đề cập đến "Sứ mệnh của bạn là gì?"


Bạn muốn trở thành giám đốc doanh nghiệp hay một đại biểu quốc hội? Bạn muốn đứng đầu trong ngành hay chỉ cần là chủ tịch hội phụ huynh tại trường của con bạn? Bạn muốn kiếm nhiều tiền hay kiếm nhiều bạn?

Bạn định hướng những gì mình muốn càng cụ thể, thì bạn sẽ càng dễ dàng đưa ra một chiến lược để đạt mục tiêu. Một phần trong chiến lược, tất nhiên là phải bao gồm việc thiết lập mối quan hệ với những người trong cuộc sống có thể giúp bạn đi đến thành công.


Một doanh nghiệp muốn thành vĩ đại, nhất định phải nêu cho được: "SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TÔI...."

su-menh-cua-ban-la-gi-bi-quyet-thanh-cong
Những người thành công đều có ít nhiều một điểm chung là sự đam mê đề ra mục tiêu. Những vận động viên thành công, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các giám đốc uy tín, ca sỹ và diễn viên nổi tiếng, các nhân viên bán hàng giỏi, đều biết rất rõ họ muốn gì trong cuộc sống, và họ làm việc để đạt chúng.

Đối với một cá nhân hay một doanh nghiệp đang làm một dự án, khi viết ra được một kế hoạch thực hiện và những việc cần phải làm càng chi tiết bao nhiêu thì kế hoạch sẽ càng chắc chắn thành công bấy nhiêu. Bạn phải lên kế hoạch cho được nguồn tài chính, nhân sự, thời gian, công việc, rủi ro, đầu vào, đầu ra, thuận lợi, khó khăn, nguồn giúp đỡ......rồi phân tích, tổng hợp, quyết định.....chọn phương án. Việc chuẩn bị này có thể chiếm mất 50% (hay hơn) thời gian của một dự án, việc thực hiện có khi chỉ còn là 30 % thời gian, 20% thời gian để kiểm tra kết quả thực tế và hoàn thành các thủ tục bàn giao. (Thật là buồn cười khi một bài học mang tính khái niệm về "lập kế hoạch dự án" như thế mà tôi lại học được khi vào đời, chứ không phải là trong thời gian 9 năm ở hai trường đại học chính qui và uy tín nhất nhì trong Nam. Điều đó có thể lý giải phần nào là VN ta thích gì làm nấy, đâm đầu mà làm theo kiểu vừa thiết kế vừa thi công, sai đâu sửa đó.....mà không có một cái gì làm cơ sở, làm chuẩn mực tuân theo)

Vậy để biết sứ mệnh của bạn là gì, theo tôi có ba bước cần làm:

Bước 1Tìm nguồn đam mê

Mục tiêu - định nghiã hay nhất mà tôi được biết là: "Mục tiêu là giấc mơ không có kết thúc". Định nghiã tuyệt vời này đưa ta đến một điểm hết sức quan trọng. Trước khi bạn bắt tay viết ra các mục tiêu, hãy tìm hiểu giấc mơ của mình trước đã. Nếu không sau này bạn sẽ thấy mình đi theo một con đường mà ngay ban đầu mình không có ý định theo đuổi.

Các nghiên cứu cho thấy hơn 50% người dân Mỹ không hài lòng trong công việc (ở Việt Nam thì còn phải hơn). Nhiều người trong số họ đang rất thành đạt, nhưng lại thành đạt trong một lĩnh vực không yêu thích. Cũng không có gì khó hiểu tại sao ta lại rơi vào tình trạng này. Người ta hay lo ngại khi phải đưa ra quyết định về nghề ngiệp, gia đình, công việc, tương lai. Chúng ta bị quá nhiều yếu tố chi phối sự lựa chọn, nên cuối cùng chúng ta lại chọn công việc không phù hợp với năng lực và tích cách của chúng ta. Rất nhiều người trong chúng ta chỉ biết chấp nhận cha mẹ đặt ta vào một cái ghế hay số phận đưa đẩy mà không tự đặt cho mình những câu hỏi quan trọng.

Bạn có bao giờ ngồi suy nghĩ nghiêm túc về những gì mình thật sự yêu thích? Những gì mình thật sự có khả năng? Những gì mình muốn đạt được trong cuộc sống? Đâu là những trở ngại đối với bạn? Hầu hết mọi người không làm được việc này. Họ chấp nhận những gì "nên" làm, thay vì dành thời gian để tìm hiểu những gì họ "muốn" làm.

Mỗi người trong chúng ta yêu thích những thứ khác nhau, lo lắng về những điều khác nhau, có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, và điểm riêng của từng người. Chúng ta phải để ý đến những điểm này khi tìm điểm giao nhau giữa năng lực và sự yêu thích. Tôi đặt tên cho giao điểm này là "ngọn lửa xanh" - nơi sự đam mê và năng lực giao nhau. (bạn lưu ý khái niệm này). Khi ngọn lửa xanh bùng cháy trong ta, nó trở thành một nguồn lực rất mạnh, có thể đưa bạn đi bất cứ nơi nào bạn muốn.

Theo tôi thì ngọn lửa xanh là sự giao thoa giữa mục tiêu và đam mê dựa trên đáng giá thực tế năng lực của mình. Ngọn lửa xanh giúp bạn xác định mục tiêu trong cuộc sống, từ việc chăm sóc người già đến việc là một người mẹ tốt, trở thành một kỹ sư hàng đầu hay làm nhà văn, nhạc sĩ. Tôi tin rằng trong tim mỗi người đầu có một mục tiêu khác nhau, một mục tiêu có khả năng bùng phát nếu được kích hoạt phù hợp. Nếu bạn theo đuổi niềm hứng thú của mình, bạn sẽ đi theo một con đường đã được dọn sẵn, chờ đợi bạn, và cuộc sống bạn đang tận hưởng chính là cuộc sống mà bạn theo đuổi.

Vậy làm thế nào để tìm ra niềm đam mê của mình?
Để quyết định đúng đều phải dựa trên nguồn thông tin đúng. Để quyết định niềm đam mê, niềm hứng thú, cảm hứng, hay ngọn lửa xanh, bạn cũng cần phải tuân theo nguyên tắc này. Có hai hướng để tìm thông tin: một hướng xuất phát từ chính bản thân; và hướng kia xuất phát từ những người xung quanh.

1. Nhìn vào chính bản thân
Có nhiều cách để đánh giá mục tiêu và ước mơ của mình . Có người chọn cách cầu nguyện, có người chọn cách suy ngẫm hay đọc sách, có người tập thể dục, có người chọn cách sống biệt lập trong khoảng thời gian dài, lại có người du lịch vòng quanh thế giới.....Có người lại tìm đến các bảng trả lời trắc nghiệm

Tuy nhiên, điều quan trọng khi tự đánh giá bản thân là không được đặt ra các giới hạn, không nghi ngờ, lo ngại hay hy vọng về những gì "nên" làm. Bạn phải bỏ qua những chướng ngại như thời gian, tiền bạc, nghiã vụ.
Một khi bạn đã xác định tư tưởng của mình, hãy liệt kê một danh sách các ước mơ và mục tiêu. Có thể có những điểm hết sức phi lý, có những điểm lại quá thực dụng, và có khi lại mâu thuẫn với nhau. Tốt nhất là bạn đừng nên kiểm duyệt hay chỉnh sửa bản chất của danh sách này - hãy đơn giản là viết ra mọi thứ mà thôi. Sau khi hoàn tất danh sách thứ nhất, bạn nên tiếp tục viết ra trong cột thứ hai những điều đem đến cho bạn niềm vui và sự thoả mãn: những thành quả, con người hay công việc làm cho bạn thấy yêu thích. Bạn có thể dựa vào những thú vui riêng của bạn, hay những tạp chí, phim ảnh, sách truyện mà bạn yêu thích. Bạn thích thú với những hành động nào mà đôi khi bạn không để ý thời gian đã trôi qua?

Sau đó, bạn hãy bắt đầu tìm mối liên hệ giữa hai danh sách này, chính là đi tìm điểm giao nhau, tìm định hướng hay mục đích. Đây là một bài tập đơn giản, nhưng kết quả mang lại có ý nghiã rất lớn.

Việc trả lời các bảng trả lời trắc nghiệm và kết quả của nó cũng đáng cho bạn tham khảo thêm để hiểu về mình.

(Việc viết ra mọi thứ rất có ích khi bạn gặp phải một vần đề mà bạn đang bối rối tìm một giải pháp .....mà bạn cứ nghĩ mãi trong đầu. Hãy viết ra giấy, viết và viết tất cả những suy nghĩ của bạn mà không cần quan tâm cái nào viết trước cái nào viết sau, không phân loại, không kiểm duyệt hay chỉnh sửa......Khi ko còn gì để viết thì mới tổng hợp, sắp xếp, phân tích ý, xét lợi hại, giả thiết, kết luận, lên phương án, lý do, cần chứng minh, các yếu tố ảnh hưởng, nếu...thì, ......vv....., tùy theo vấn đề của bạn có những yếu tố nào phải tính đến. Cái hay của việc viết ra như thế giúp bạn có thời gian suy xét, thấy tổng thể của vấn đề theo không gian thời gian và mọi khiá cạnh xung quanh nó. Từ đó sẽ giúp bạn có một phương án giải quyết tốt nhất có thể không ngờ tới.Thực tế, người Âu Mỹ không thông minh hơn chúng ta nhưng họ thành công hơn chúng ta chỉ là nhờ họ dạy có phương pháp, học có phương pháp và làm việc có phương pháp. Đừng quá tự tin vào trí nhớ hay trí thông minh phân tích của bạn mà xem thường việc viết ra như thế!)

2.Nhìn những người xung quanh
Tiếp theo, bạn hãy hỏi những người bạn biết rõ nhất, yêu cầu họ đánh giá điểm mạnh và điểm yếu lớn nhất của bạn là gì. Yêu cầu họ cho bạn biết họ ngưỡng mộ điểm gì ở bạn, và điểm gì theo họ là bạn cần phải hoàn thiện thêm. (À tôi muốn nói thêm là, nếu bạn là một học sinh chuẩn bị bước vào đời, có thể là đại học, trung cấp nghề....thì nên tìm một người trong ngành nghề đó tư vấn cho bạn biết, muốn theo ngành nghề đó phải có tư chất gì, bằng cấp gì, chi phí thời gian, tiền bạc....tương lai công việc, thu nhập, rủi ro.....để có hiểu biết đúng về nghề nghiệp mà bạn định lựa chọn.)

Qua hai hướng trên, chẳng bao lâu bạn sẽ thấy những thông tin bạn thu thập được từ bài tập đánh giá bản thân và từ đóng góp của những người xung quanh sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ định hướng hay mục tiêu sống của bạn là gì. Tùy theo độ lớn của ước mơ và mức độ quyết tâm của chúng ta với mục tiêu của mình sẽ quyết định mức độ thành công của chúng ta.

Tìm ra mục tiêu, liên tục cập nhật, và theo dõi quá trình thực hiện, theo tôi,không quan trọng bằng quá trình đấu tranh về mặt cảm xúc tìm xem ước mơ thật sự của bạn là muốn làm gì trong cuộc sống. Chuyển đổi từ giấc mơ thành sự thật tất nhiên không thể cứ mơ mộng mà đòi hỏi bạn phải lao động cực nhọc và có tính kỷ luật cao.

Những kẻ mơ mộng có kỷ luật có một điểm chung: sứ mệnh. Sứ mệnh của họ thường mang tính rủi ro, không giống ai, và không dễ gì đạt được. Nhưng chúng vẫn có thể đạt được. Kỷ luật giúp họ đưa giấc mơ thành sứ mệnh, đưa sứ mệnh thành thực tiễn, biến thực tiễn lên đỉnh cao thành công. Tất cả có thể làm được nếu luôn biết thiết lập mục tiêu.

Bước 2: Viết mục tiêu ra giấy

Chuyển sứ mệnh thành thực tiễn không phải tự nhiên mà thành. Cũng giống như một bức tranh nghệ thuật hay một hoạt động kinh doanh, nó phải được xây dựng từ nền móng đi lên. Đầu tiên ta phải mường tượng ra nó trong thực tế. Sau đó, ta tập hợp những kỹ năng, công cụ nguyên liệu cần thiết. Ta cần có thời gian. Ta cần phải suy nghĩ, quyết tâm, kiên định và có niềm tin.

Tôi gợi ý một kế hoạch hành động xây dựng mối quan hệ như sau. Bản kế hoạch này được chia làm 3 phần tách biệt.

Phần đầu để thiết lập mục tiêu giúp tôi hoàn thành sứ mệnh của mình.

Phần hai dành để tìm mối liên hệ giữa các mục tiêu này với những con người, địa điểm, công việc có thể giúp tôi thực hiện mục tiêu

Phần ba xác định cách tốt nhất để tiếp cận những người giúp mình đạt được mục tiêu.

Trong phần đầu tiên ta nên liệt kê tất cả những gì mình muốn đạt được trong ba năm tới. Từ đó ta xác định ngược thời gian trong vòng một năm, hay mỗi ba tháng, và đưa những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn để đi đến sứ mệnh cuối cùng. Trong mỗi khoảng thời gian ta đưa ra một mục tiêu A và một mục tiêu B, có đóng góp trực tiếp vào định hướng tương lai 3 năm của ta. Trong phần thứ hai, cũng làm tương tự như phần đầu tiên. Trong phần thứ ba, ta nên vận dụng một số chiến thuật cho phù hợp, mà những chiến thuật này sẽ bàn đến trong những chương tiếp theo. Có một số người, ta phải làm mặt dày và nói chuyện trực tiếp với họ. Có những người ta có thể tiếp cận thông qua bạn bè, và có những người nên tiếp cận tốt nhất tại các cuộc hội thảo hay các bữa tiệc tối giao lưu.

Qui trình này có thể được áp dụng hầu như tất cả mọi người trong bất cứ lĩnh vực nào. Sau khi điền xong bản kế hoạch, bạn đã có trong tay một sứ mệnh. Bạn cũng có danh sách tên những người bằng xương bằng thịt có thể giúp bạn tiến gần hơn đến với sứ mệnh của mình. Và bạn có một hay nhiều cách để tiếp cận họ. Bạn hãy nhớ: tạo mối quan hệ với mọi người chỉ đơn giản là lập một kế hoạch và triển khai nó. Ngoài ra bạn có thể áp dụng phương pháp lập kế hoạch này cho những khiá cạnh khác trong đời sống, ví dụ như mở rộng mạng lưới bạn bè, nâng cao trình độ học vấn, tìm bạn đời hay tìm người định hướng tinh thần.....
Bạn thấy không, chỉ cần một kế hoạch, mọi dự án đều đã thành công hơn 50%.

Một khi bạn đã lập kế hoạch, hãy treo nó tại những nơi nào bạn thường nhìn đến. Chia sẻ mục tiêu của bạn với những người khác. Đây là một phương pháp rất hữu hiệu, thậm trí có thể nói là hiệu quản nhất nhờ có mục tiêu rõ ràng- bạn có thể tận dụng những cơ hội tìm ẩn trong mỗi con người nếu bạn nói cho người ta biết bạn muốn gì.

Hãy ngồi xuống và lập cho mình một bản kế hoạch, trước khi bạn đọc chương kế tiếp.
Nhưng nên nhớ rằng kế hoạch phải được viết ra trên giấy. Phải tin tưởng và viết ra dự định trên giấy. Một ước muốn không được viết ra thì chỉ là một ước muốn. Khi được viết ra ước muốn đó sẽ trở thành một cam kết, một mục tiêu.

Sau đây là một số tiêu chí bạn cần quan tâm khi lập kế hoạch hành động xây dựng mối quan hệ:

·Mục tiêu phải cụ thể
Những mục tiêu mơ hồ, vu vơ trở nên quá rộng, không thể tập trung thực hiện được. Mục tiêu phải cụ thể và chi tiết. Bạn cần biết rõ phải tuân thủ những bước nào để đạt được mục tiêu, kỳ hạn thực hiện, các chỉ tiêu đo lường xem bạn có thành công hay không. Ví dụ nếu nói “tôi sẽ đạt doanh số cao nhất từ trước đến nay trong qúi này” là mơ hồ, mà phải nói doanh số là 1tỷ hay 5 tỷ đồng.

· Mục tiêu phải trong tầm tay.
Nếu bạn không tin mình có thể đạt được mục tiêu, bạn sẽ không thể nào thực hiện thành công. (bởi không tin mình đồng nghiã bạn tin mình sẽ thất bại và sẽ không bao giờ cố gắng hết mình được, và không có động lực để đạt được mục tiêu). Nếu mục tiêu của bạn là giúp công ty tăng doanh thu thêm 5 tỷ đồng nữa, trong khi thực tế năm ngoái bạn chỉ đem lại 1tỷ đồng, rõ ràng bạn đang đề ra một nhiệm vụ bất khả thi. Tốt hơn là bạn nên đặt ra mục tiêu là 1,5 tỷ đồng và cố gắng hết mình để đạt thành công.

·Mục tiêu phải mang tính thử thách và yêu cầu cao. 
Hãy bước ra khỏi vùng giới hạn; đề ra những mục tiêu đòi hỏi bạn phải liều lĩnh hay mục tiêu có tình bất ngờ. Và một khi bạn đạt mục tiêu này hãy đặt ra mục tiêu khác. Ví dụ trước kia bạn chỉ chờ khách hàng đến lấy hàng của bạn, bán cái bạn có. Bây giờ bạn hãy mang hàng đến cho khách hàng, giới thiêu họ những mặt hàng mới, tìm hiểu nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của họ, làm tăng doanh số gấp đôi gấp ba.....

Tiếp theo, hãy HÀNH ĐỘNG! Một kế hoạch có hay đến mấy, dù có thể đảm bảo 80% thành công, nhưng không hành động cũng là vô nghiã. Một khi đã có kế hoạch, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào việc bạn có chịu bắt đầu thực hiện hay không. Hãy thực hiện đúng kế hoạch mỗi ngày!

Bước 3: Thiết lập một "ban tư vấn" cho bản thân

Mục tiêu, và nhiều thứ khác được đề cập trong bài viết này, không thể đạt được một mình. Sau khi đã có kế hoạch, bạn cần có sự ủng hộ để giữ định hướng. Cũng như trong kinh doanh, ngay cả một kế hoạch hoàn hảo cũng cần được theo dõi chặt chẽ.

Bạn cần đến một người tư vấn ủng hộ bạn, hay tốt nhất là từ hai đến ba người, để vừa làm người ủng hộ khi bạn xuống tinh thần, vừa là người giám sát nghiêm khắc, buộc bạn phải chịu trách nhiệm về mục tiêu của mình. Có thể gọi đây là ban tư vấn riêng. Những người này có thể là thành viên trong gia đình, hay một người nào đã từng giữ vai trò đỡ đầu cho bạn, hay có thể là một - hai người bạn cũ.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét