Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Nỗi niềm người dẫn đầu

Nỗi niềm người dẫn đầu Không chỉ đơn thuần là một bài viết nói lên cảm xúc của những người đi đầu...

Tôi muốn nói về những người đang nhận trọng trách quản lý cho dù ở cấp bậc nào. Tạm bỏ qua tính chính xác của ngôn từ vì đây không phải là một bài đào tạo về quản lý nên tạm coi “leader” và “manager” là “người dẫn đầu”.

Những điều viết ra đây mang tính cá nhân hơn là một sự khái quát hóa nhưng tôi nghĩ rằng các anh chị đang làm công việc này cũng có trăn trở tương tự.

Số phận hay sứ mệnh?

Có một bài viết khá hay có tựa đề Sứ mệnh người dẫn đầu của nguyên Phó tổng giám đốc FPT Hoàng Minh Châu đăng trong một tập san nội bộ, trong đó đặt vấn đề rằng làm người dẫn đầu là “sứ mệnh” chứ không phải “số phận”. Vậy thì do “số phận” hay “sứ mệnh” hay là gì khác? Trên đời này không ai không học mà nên, nhưng không phải cứ đi học làm lãnh đạo hay quản lý thì đều trở thành “người dẫn đầu”!

Chúng ta có thể học để cải tiến kỹ năng trình bày nhưng không thể biến một người nói không hay thành một nhà hùng biện, vì sự khác nhau giữa họ là phản xạ trong những tình huống thực tế, mà điều này có học đến “nghìn lẻ một” kinh nghiệm cũng không đủ. Tương tự, chúng ta học quản trị để trang bị hệ thống những nguyên tắc, kinh nghiệm trong quản lý, nhưng không ai có thể truyền đạt hết những gì xảy ra trên thực tế và cách xử lý nó.

Chúng ta không thể ngồi chờ để trong tổ chức tự sinh ra những người dẫn đầu mà phải phát hiện và phát triển họ! Vậy “anh hùng tạo ra thời thế” hay “thời thế tạo ra anh hùng”? Lý luận thuyết phục nhất lâu nay vẫn là “anh hùng tạo ra thời thế trong điều kiện thời thế tạo ra anh hùng”!

Người của công chúng

Người dẫn đầu cũng là “người của công chúng” trong phạm vi đối tượng mà họ quản lý. Chắc chắn rằng muốn làm “người dẫn đầu” trước hết phải thu phục được nhân tâm. Thường thì bản năng sẽ chỉ cho họ con đường thường phải làm là chứng minh được “mình vì mọi người”. Nhưng làm được điều này không đơn giản bởi nó không giống một câu chuyện tình cảm riêng tư, chỉ mỗi chữ “tình” là đủ.

Một nhân viên mắc lỗi và bị kỷ luật nhưng điều đó qua rất nhanh và không phải ai trong tập thể cũng quan tâm. Nhưng “người dẫn đầu” có một sai lầm hay sai sót (trong cuộc sống hay trong công việc) chẳng ai kỷ luật họ nhưng điều này lại âm ỉ trong dư luận. Cái áp lực “người của công chúng” đương nhiên không thể biến một “người dẫn đầu” có bản lĩnh thành một người “sống vì dư luận” nhưng có thể làm họ phải điều chỉnh nhiều thứ trong thói quen, ham muốn, ứng xử...

Sự cô đơn

“Sự cô đơn” này chỉ giới hạn trong phạm vi công việc chứ không đề cập đến các vấn đề khác của cuộc sống. Và “sự cô đơn” này cũng được nhắc đến trong cả những giáo trình chính thống về quản trị mà tôi được học. Áp lực “người của công chúng” dường như không cho phép người dẫn đầu có tình bạn “thân” với ai trong tổ chức của mình (?) vì có thể tạo “dư luận” không hay. Dù trong mối quan hệ xã hội cực kỳ rộng và đa dạng của những người dẫn đầu, không khó để kiếm người đồng cảm trong công việc, nhưng dù đồng cảm cách mấy, không ở trong cùng môi trường người bạn đó cũng khó có thể hình dung hết.

Áp lực công việc cộng với sự đòi hỏi của bản thân để đáp ứng những tham vọng của chính mình thì những khó khăn, thuận lợi, những ý tưởng, những va vấp, hoài bão... có thể biến người dẫn đầu thành kẻ khó chia sẻ! Hoặc rơi vào tâm trạng “không ai hiểu ta”! Để thực thi tham vọng đôi khi họ phải chọn con đường “độc hành”.

Chữ tâm

Nói về chữ tâm thì dễ, làm mới khó.

Nói về cái “tâm” trong công việc khó mà khái quát hóa và cũng khó kể ra đầy đủ chi tiết nhưng chắc chắn rằng cái “tâm” đó rất dễ nhận ra trong sự hết lòng, sự chân thành, chu đáo, trong sự lo lắng và quan tâm... mà người dẫn đầu sẽ bộc lộ trong công việc của họ. Nếu coi “tầm nhìn” hay “nhìn thấy cơ hội tương lai” là một yêu cầu quan trọng của người dẫn đầu thì ngay cả bản thân việc đó cũng đã bao hàm cả cái “tâm” muốn xây dựng tương lai cho tất cả nhân viên của mình. Tôi cho rằng cái “tâm” trong công việc cũng chính là phạm trù mà người dẫn đầu dễ bộc lộ sai sót nhất.

Niềm tin

Tôi nhận ra điều quan trọng nhất để xây dựng tổ chức là phải có niềm tin (thật sự) với nhau và phải kết hợp hài hòa giữa tình cảm và công việc trong môi trường lao động. Lý tưởng của những người có tâm xây dựng tổ chức là cần phải chỉ ra “tôi sẽ làm được gì” trước chứ không phải là đòi hỏi “tôi được hưởng gì”. Cho dù điều này có hơi “hồng” nhưng mãi mãi Việt Nam sẽ không bao giờ có những doanh nghiệp tầm cỡ nếu không có những con người dám hành động như vậy. Mỗi người lao động đều có “nỗi niềm”, điều duy nhất xin được chia sẻ rằng: niềm tin trong từng con người có bị đánh mất hay không?

Cái giá của sự lựa chọn

Trong cái “cõi đi về” ai chẳng có tâm sự cho dù đó là trong công việc - một phạm trù mà cảm xúc đôi khi không được quan trọng hóa. Điều vui sướng lớn nhất của công việc này là thực thi được những ý tưởng của mình dễ dàng hơn cho dù thất bại hay thành công. Người ta nói rằng nếu có 1 triệu đô la Mỹ chẳng cần làm gì vì đem tiền gửi ngân hàng vẫn sống thoải mái. Nếu theo phép tính này thì Bill Gates không phải đi “đánh nhau” với mấy “thằng” open source (phần mềm nguồn mở) trẻ măng làm gì! Nhà bác học R.Decartes đã nói rằng: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”. Vậy để hiểu tại sao những người đã có thể “gửi tiền ngân hàng” vẫn còn lao động “hùng hục".

Tôi thích những bài viết như thế này. Không chỉ bởi tôi có cảm giác đồng cảm khi đọc nó.

Tôi luôn là người đi đầu trong nhiều lĩnh vực nho nhỏ, trong những môi trường nho nhỏ. Tôi thường xuyên là người của công chúng, trăn trở giữa số mệnh - sứ mạng và cảm giác cô đơn gần như thường trực. Nhưng tôi giữ cái tâm mình trong sạch và ... dù đôi khi phải cố gắng nhưng tôi vẫn không cho phép mình mất niềm tin. Đối với tôi, mất niềm tin thì lấy đâu ra động lực để đi tiếp. Sống mà, còn rất nhiều việc tôi cần làm... với lại, đôi khi cũng nghĩ, mọi chuyện lớn nhỏ, khó hay dễ đều là do tự mình đánh giá, mình cho là khó thì nó khó, mình bảo là dễ thì nó dễ. Nếu bảo chỉ cần bạn tin là bạn sẽ vượt qua được khó khăn trước mắt, hỏi ai không tin :D

Mọi người nói, cô đơn, trăn trở ... đó là cái giá của sự lựa chọn, tôi đã chọn thì tôi "phải" đi hi hi
Nghĩ ... dùng chữ "phải" có lẽ là quá nặng nề
tôi hạnh phúc trong công việc của mình và tôi mong muốn được chia sẻ, cảm thông từ các bạn...
có lẽ một lúc nào đó bạn cũng nghĩ như tôi .....................................................................

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Bài học từ những nhà đầu tư giỏi nhất

(BusinessWeek) Khi nghiên cứu những bộ óc kiệt xuất trong lĩnh vực đầu tư, bạn sẽ nhận thấy mỗi người trong số họ đều có ảnh hưởng to lớn đến cách thức đầu tư trên toàn thế giới, và một nét tiêu biểu chung là họ đều nhìn thấy trước các cơ hội. John Templeton đẩy mạnh đầu tư quốc tế trước khi xuất hiện sự thoái trào. Warren Buffett mua hết nhẵn cổ phiếu của các công ty chưa nổi danh trước rất lâu khi nó trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Rất nhiều các nhà đầu tư hàng đầu thế giới chiếm lĩnh đỉnh cao bằng khả năng của chính mình. Họ không đi theo dấu chân của người đi trước và không copy phong cách đầu tư của những người khác. Ngay từ khi mới khởi nghiệp, “Họ đã đặt mình ra ngoài đám đông,” ông Walter Gerasimowicz - Chủ tịch và đồng thời là Giám đốc điều hành của Meditron Asset Management nói.

Thường xuyên khó hiểu đối với thị trường

Nếu bạn muốn tự đặt mình ra khỏi đám đông, thì trước hết bạn phải rất dũng cảm, đặc biệt là thị trường tài chính, nơi con người hay bị chi phối bởi tâm lý đám đông rất rõ rệt. John Merrill, Giám đốc điều hành của Tanglewood Capital Management gọi đặc điểm này là “Sự toàn vẹn trí tuệ”. Các nhà đầu tư hàng đầu luôn tự tư duy. “Họ không tuân theo các câu nệ quy ước”, Merrill nói.

Có thể điều này lý giải tại sao bất cứ một nhà đầu tư nào có tên trong danh sách những người xuất sắc nhất cũng có nhiều câu nói nước đôi và những sở thích khác lạ. Những người như Buffett hay ông vua tài chính Bill Gross có khả năng làm cho hàng triệu triệu người thích thú theo dõi các quan điểm của họ.

Thỉnh thoảng lời nói nước đôi của các đầu tư xuất sắc này khiến cho các nhà đầu tư khác không biết phải đánh giá thế nào cho đúng. “Họ thường xuyên lạc điệu với các trào lưu thị trường”,  Merrill nói. Các bộ óc lớn khéo léo tìm đường đi đúng cho riêng họ trên con đường mà đám đông đang đi. Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương nhà quản lý Ken Heebner, người đã từng mua cổ phiếu bất động sản khi nó không được ưa chuộng và sau đó bán chúng khi giá của loại cổ phiếu này lên tới đỉnh, chỉ ngay trước thời điểm giá bất động sản có dấu hiệu đi xuống.

Suy nghĩ cho dài hạn

Một đặc điểm dễ nhận khác: phần lớn các nhà đầu tư đỉnh cao, mặc dù không phải là tất cả, nhưng hầu như họ đều là những người suy nghĩ đầu tư trong dài hạn. Họ tin tưởng chắc chắn rằng những danh mục đầu tư của họ sẽ có giá trị trong tương lai, và họ quyết theo đuổi niềm tin ấy. “Họ không bị dao động trước các tin tức khác nhau trên thị trường”   Georges Yared, nhà hoạch định chính sách đầu tư tại Yared Investment Research nói.

Sự tập trung trong dài hạn là rất quan trọng khi bạn đánh giá các hạng mục đầu tư không chỉ cho vài tháng hay vài năm mà là cho vài thập kỷ. (Chúng tôi chắc chắn các tên tuổi được liệt kê trong danh sách các nhà đầu tư lớn trên thế giới luôn có sự theo đuổi các hạng mục đầu tư đến vài thập kỷ). Những ngôi sao đầu tư ngắn hạn sẽ sớm đuối sức dần, và có thể sẽ tắt ngúm chỉ ngay sau một đợt suy sụp kinh tế.

Merrill chỉ ra rằng, trong khoảng thời gian đầu những năm 1970, danh tiếng của các nhà quản lý quỹ đã từng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng khi thị trường cổ phiếu chao đảo. Rất nhiều nhà đầu tư đã mất trắng vốn đầu tư, và họ đổ lỗi này cho các “gã găngxtơ” đang điều hành tại các quỹ quản lý. Templeton, nhờ nhìn xa trông rộng áp dụng chiến lược tập trung trong dài hạn và nhấn mạnh đa dạng hóa đầu tư ra nước ngoài, “đã cứu danh dự cho các quỹ này”.

Các nhà đầu tư hàng đầu thường chủ động đưa ra chiến lược đầu tư dài hạn có khi tới vài thập kỷ. “ Và họ sẽ là những người sống sót qua mọi chu kỳ kinh tế, Gerasimowicz nói. Họ đã sống sót qua các cuộc hỗn loạn kinh tế, chiến tranh và sự đỏng đảnh của thị trường.

Thay đổi cùng với thời gian

Thực ra, không phải tất các các nhà đầu tư thượng thặng đều kiếm ra tiền nhờ việc mua và giữ các khoản đầu tư. Một số người, giống như nhà đầu cơ George Soros, đã thu lợi nhuận nhờ việc buôn bán kỳ hạn. Nhưng điều đó đòi hỏi phải là một người có đầu óc suy nghĩ độc lập. Soros phải là người nắm rõ các quy tắc thông thường, nhưng ông cũng sẵn sàng đi ngược lại chúng khi cần.

Vậy thì các nhà đầu tư lớn kiên định tới mức nào? Họ có chọn ra được một triết lý đầu tư và nhất quyết theo đuổi nó đến cùng không? Thật khó có thể trả lời được câu hỏi này. Theo ông Gerasimowicz: “Mọi nhà đầu tư xuất chúng đã có được thành công là vì họ hoạt động với triết lý đầu tư liền mạch”. Quan trọng nhất là, “Họ áp dụng nó một cách kiên định đối với mọi danh mục đầu tư của mình”, - ông nói - “Họ không bao giờ dao động”.

Điều đó có thể đúng, nhưng chắc chắn rằng nhiều bộ óc lớn phải biết thay đổi cùng với thời gian. Warren Buffett của năm 1964 không phải là Warren Buffett của năm 2007, ngay cả khi một số quy tắc của ông ta vẫn như cũ. Icahn đã điều chỉnh các sách lược của ông phù hợp với các luật lệ mới và các quy tắc chung mới.

Tuy nhiên có một thứ không thay đổi: đó là sự may mắn. Thậm chí người giỏi nhất trong số họ có thể đưa ra một danh sách dài những sai lầm trong đầu tư của ông ta. Đôi khi ngay cả nhà đầu tư xuất sắc nhất cũng ước ao có thể quay ngược đồng hồ thời gian trở về quá khứ để sửa chữa những sai lầm ngớ ngẩn của chính mình. Nhưng các bộ óc sáng giá nhất trong thế giới đầu tư đều biết thích nghi, và biết rút kinh nghiệm từ các sai lầm đó để hoạch định các chiến lược đầu tư tương lai.

Một nhà đầu tư bình thường có thể không có được các kết quả như các nhà đầu tư lớn, nhưng bạn có thể thu được lợi nhuận nhờ áp dụng các phương thức và các cách tiếp cận của các bộ óc đã được “đóng dấu chất lượng cao”.

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Bạn làm thế nào để thành công khi có những điều không thể kế hoạch hay dự báo trước?

Bạn có khi nào thất vọng vì mọi điều xảy ra không như dự kiến không? Thậm chí kể cả bạn đã lập kê hoạch và có các dự báo? Làm thế nào để đạt được mục tiêu và thành công trong thực tế cuộc sống có rất nhiều điều khó kế hoạch và không thể dự đoán trước như hiện nay? Chúng ta cần một cách tiếp cận mới để đưa tới thành công ...

Bạn có bao giờ cảm thấy thất vọng? Chúng ta đều có lúc thất vọng đấy.

Hầu hết chúng ta chuẩn bị kỹ càng cho tương lai mà chúng ta mong đợi, nhưng mọi điều lại không xảy ra như chúng ta đã kế hoạch. Điều đó rất dễ hiểu như khi bạn bị mất việc, khi bạn vừa tốt nghiệp đại học mà không xin được việc làm, hoặc khi một người quản lý phải đối mặt với biến động liên tục tại nơi làm việc. Kể cả khi bạn là ông chủ, bạn cũng không được như kế hoạch vì phải vật lộn với công nghệ đột phá và đối thủ cạnh tranh mới tự nhiên xuất hiện và chèn ép trong lĩnh vực bạn đang làm.

Tất cả những điều này cực kỳ làm rối rắm và đáng lo ngại.

Đấy là không hề giống với những gì chúng ta được dạy sẽ xảy đền thế nào. Khi trưởng thành, chúng ta đã được dẫn dắt để tin rằng tương lai có thể dự đoán được, và rằng nếu chúng ta học hành chăm chỉ chúng ta sẽ có được những công việc mong muốn trong một môi trường yêu thích, và rồi chúng ta sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc và thành công.

Những chuyện này không xảy ra chính xác theo cách nghĩ này (kể cả đối với những người đang hạnh phúc trong số chúng ta,). Nhiều người trong chúng ta, có thể đa số, không có những bước tiến để đạt được những điều chúng ta muốn.

Chúng tôi nghĩ rằng lý do là rất đơn giản. Cách chúng ta được dạy là để suy nghĩ và hành động chủ yếu trong một môi trường tương lai có thể dự đoán được, chứ it được dạy cho một môi trường như thế giới nhiều biến động như hiện nay.

Bạn được trang bị các bước để đối phó với một thế giới quan có thể dự đoán được:

1. Bạn (hoặc do cha mẹ, thầy cô, hoặc sếp của bạn) định hướng dự báo tương lai sẽ như thế nào

2. Bạn xây dựng một số kế hoạch để đạt được mục tiêu tương lai và chọn ra một kế hoach tối ưu.

3. Bạn sẵn sàng tất cả các nguồn lực cần thiết (học hành, bằng cấp, tiền bạc, ...) cần thiết để đạt được kế hoạch của bạn.

4. Và sau đó bạn đi ra ngoài và làm cho kế hoạch đó thành hiện thực.

Chúng ta đã bị quá nhồi sọ với cách suy nghĩ như vậy do cách tiếp cận kiểu dạy dỗ hay của nhiều tổ chức (dù nhiều hay ít) chỉ có cách tiêp cận đó mà thôi.

Tuy vậy một cách tiếp cận rất thông minh cho một tương lai có thể biết trước được hoặc dự đoán được lại trở thành cách tiếp cận không hề thông minh khi mọi thứ không thể được dự đoán trước. Và thực tế đó chính là cốt lõi gây ra mọi sự thất vọng mà đa số chúng ta gặp phải. Mọi điều đơn giản không hề xảy ra như có thể dự đoán trước đó.

Trong một thế giới nhiều thay đổi khi bạn không còn kế hoạch được chính xác hoặc có thể dự đoán được cách thức để thành công, đâu là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu của bạn bây giờ? Đó là một câu hỏi đau hết cả đầu nhưng đó là điều mà một tất cả mọi người cần giải quyết trong thực tế ngày nay. Những ngộ nhận cho rằng "thay đổi có vẻ là bất biến hay không có gì biến đổi" (change seems to be the only constant) đã trở thành phi thực tế.

Đây chính là điểm mấu chốt trong cách nhìn nhận của chúng tôi: Khi tương lai là không thể biết trước chắc chắn (ví dụ, việc bạn rời bỏ công việc hiện tại và bắt đầu một cái gì đó mới là một ý tưởng tốt? Việc phát triển các công nghệ mới sẽ có thị trường?), bạn cần làm thế nào để thoát khỏi hạn chế của cách nghĩ truyền thống trong việc dự đoán những gì sẽ xảy ra.

Câu trả lời là bạn cần một cách tiếp cận khác.

Chúng tôi chỉ ra có một cách. Có một phương pháp đã được kiểm chứng để giúp định hướng trong một thế giới không chắc chắn và đó là cách tiếp cận sẽ bổ sung cho cách suy luận thông thường mà chúng ta đã được dạy. Nó sẽ giúp bạn đối phó với mức độ cao của sự không chắc chắn và trong bất kể hoàn cảnh nào mà bạn phải đối mặt. Chúng tôi biết cách đó hoạt động vì các nhà doanh nhân/doanh chủ (entrepreneurs) - những người luôn phải đối phó với sự không chắc chắn hàng ngày vẫn sử dụng nó thành công tất cả các thời điểm. Đây cũng là phương pháp được sử dụng tại một số trường đào tạo tinh thần doanh nhân nổi tiếng.

Tại Trường Kinh doanh Babson (USA), phương pháp tiếp cận này được gọi là "cách nghĩ và hành động của các doanh nhân”, nhưng để đơn giản chúng ta gọi đó là cách "Hành động, Tìm hiểu, Xây dựng, Lặp lại."

Dựa trên nghiên cứu của Saras D. Sarasvathy từ Trường Kinh doanh của Đại học Tổng hợp Virginia (USA) và công trình nghiên cứu tương tự tại Trường Babson, phương pháp này đã được kiểm nghiệm theo thời gian trong việc thích ứng đối với những điều chưa biết trước thế nào.

Một cách đơn giản, trong khi phải đối mặt với một tương lai không rõ thế nào, các doanh nhân lựa chọn hành động. Họ đối phó với sự không chắc chắn không phải bằng cách cố gắng để phân tích xem thế nào, hay lập kế hoạch cho mỗi điều bất ngờ, hoặc dự đoán kết quả sẽ như thế nào. Thay vào đó, họ hành động, học hỏi từ những gì họ phát hiện được, và tiếp tục hành động. Cụ thể hơn của quá trình này có thể mô tả như thế này.

1. Bắt đầu với khao khát hay mong muốn. Bạn phát hiện ra hay suy nghẫm về một cái gì đó mà bạn muốn. Bạn không cần phải có quá nhiều niềm đam mê, bạn chỉ cần có mong muốn đầy đủ để bắt tay vào. (Ví dụ, "Tôi rất muốn mở một cửa hàng ăn/tiệm ăn, nhưng tôi hiện chưa biết bắt đầu mở được một cửa hàng ăn/tiệm ăn từ đâu.")

2. Đi một bước thông minh và thật nhanh hướng tới mục tiêu của bạn. Một bước thông minh là gì? Đó là một hành động nhanh chóng với những gì đang có sẵn trong tầm tay. Hãy tận dụng những gì bạn biết, những người bạn biết, và bất cứ điều gì khác mà bạn đang có sẵn. (Ví dụ, "Tôi biết một đầu bếp tuyệt vời, và nếu tôi vay mượn tất cả người thân trong gia đìnhi và bạn bè, tôi có thể có đủ tiền để mở một cửa hàng.") Bạn hãy chắc chắn rằng bước đi đầu tiên này sẽ không bao giờ tốn nhiều hơn mức chấp nhận thua lỗ của bạn trong trường hợp mọi việc không khả quan. Và bạn nên rủ những người khác cùng để có được nhiều nguồn lực hơn, chia sẻ các rủi ro, và làm chắc chắn các ý tưởng của bạn.

3. Suy ngẫm và làm chắc chắn những gì có được từ bước đi đầu tiên. Bạn cần phải làm điều đó bởi vì khi bạn hành động, thực tế cũng thay đổi. Đôi khi mỗi bước của bạn đưa bạn tới gần với những gì bạn muốn hơn (Ví dụ, "Tôi nên tập trung khả năng làm một cái gì đó chỉ ở ngoài trung tâm thành phố"); đôi khi bạn lại muốn thay đổi (Ví dụ, "Có vẻ có quá nhiều nhà hàng Ý gần đó rồi, cần phải suy nghĩ lại thực đơn Menu của chúng ta"). Nếu bạn chú tâm, bạn luôn luôn tìm hiểu, học hỏi được một cái gì đó. Chính vì vậy, sau khi bạn hành động, hãy tự hỏi: Những hành động của bạn đã đưa bạn đến gần hơn đến mục tiêu của bạn hay chưa? (Ví dụ, "Có đấy, dường như tôi sẽ có thể mở một nhà hàng đấy”.) Hoặc bạn tự hỏi: Bạn có cần nguồn lực bổ sung để có thể tới gần mục tiêu hơn không? (Ví dụ, "Có đấy, tôi sẽ cần phải tìm một đầu bếp khác. Người đầu bếp tôi biết chỉ có thể làm được các món Ý.") Bạn tiếp tục tự hỏi: Bạn vẫn muốn đạt được mục tiêu của bạn? (Ví dụ, "Có.":-)

4. Lặp lại.

“Hành động. Tìm hiểu. Xây dựng. Lặp lại”. Đấy chính là cách các nhà doanh nhân/chủ doanh nghiệp (entrepreneurs) thành công vượt qua những sự không chắc chắn. Những kinh nghiệm của họ sẽ áp dụng được cho tất cả chúng ta.

Bài viết của 3 Tác giả, Leonard A. Schlesinger là Hiệu trưởng của Trường Babson (USA). Charles F. Kiefer là Chủ tịch của Innovation Associates. Paul B. Brown là cây viết nhiều năm  cho tờ báo New York Times. Cả ba là đồng tác giả của cuốn sách Hãy Bắt đầu: Hành động, Nắm bắt sự không chắc chắn,Tạo dựng Tương lai (2012).