Tôi tình cờ được biết đến một mẩu đối đáp giữa một vài giám đốc về việc đối đãi với nhân viên nghỉ việc như sau:
Giám đốc A: Sorry đến hơi muộn, tao vừa làm tiệc chia tay cậu trợ lý. Cậu ấy xin thôi việc, tiếc quá, một nhân viên rất có năng lực.
Giám đốc B: Sao mày phải mất công làm tiệc chia tay cái thằng bỏ việc nhỉ?
Giám đốc A: Ờ thì dù gì người ta đã gắn bó với mình nhiều năm và cũng có công với công ty mà. Nhân viên nghỉ việc tao còn tặng quà cảm ơn nữa ấy chứ.
Giám đốc B: Vẽ việc. Nó nghỉ thì kiếm thằng khác mà thay. Thiếu gì người có năng lực. Tao thì đứa nào thích nghỉ cho nghỉ luôn, khỏi cần. Chúng nó cứ tưởng chúng nó giỏi. Đấy thích thì cứ sang công ty khác xem.
Câu chuyện nhân sự, đối đãi với nhân viên và làm sao để giữ người vẫn là bài toán hóc búa cho mọi doanh nghiệp. Các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn xoay sở hàng ngày để giải bài toán này nhưng cũng chẳng thể nào tìm ra được một lời giải tốt nhất.
Hôm nay, Nhân Viên Mới có câu chuyện như thế này muốn chia sẻ với các bạn. Câu chuyện nhỏ được rút ra từ bài học: Câu chuyện thợ săn và chó săn (có thể bạn đã đọc ở đâu đó câu chuyện này, hoặc chưa, nhưng tôi tin rằng đây là câu chuyện luôn đáng để chúng ta dành vài phút suy ngẫm)
Bài học quản lý: Câu chuyện thợ săn và chó săn
Chú chó săn chạy khắp cánh đồng dưới chân núi mà không bắt được con thỏ nào.
Người chăn dê thấy thế thì cười, trêu chú chó:
- Chú thật bất tài. Con thỏ nhỏ hơn chú bao nhiêu mà còn chạy nhanh hơn.
Chó săn đáp:
- Ông không biết mục đích chạy của bọn tôi hoàn toàn khác nhau! Tôi chạy chỉ vì miếng ăn, còn chú thỏ chạy vì cả tính mạng của mình!
Thợ săn quản lí chó săn
Thợ săn & Chó săn
Bài học quản lý đầu tiên: Mục tiêu được thiết lập từ nhu cầu.
Người thợ săn nghe thấy, nghĩ bụng: "Con chó này nói đúng. Nếu ta muốn có nhiều thỏ hơn thì phải nghĩ cách khác". Một ý nghĩ lóe lên trong đầu thợ săn. Đó là tia lửa đầu tiên của khoa học quản lý.
Thế là thợ săn ra chợ mua thêm mấy con chó săn khác. Sau đó, ông ta ra chính sách mới: Hễ con nào bắt được đủ số thỏ sẽ được "trả lương" bằng mấy chiếc xương. Không bắt được thỏ thì không có ăn.
Chiêu mới quả cao tay. Bầy chó tranh nhau săn bắt, đem rất nhiều thỏ về, bởi chẳng con nào muốn thấy chó khác gặm xương, trong khi mình hóp bụng trương mắt ếch.
...
Được một thời gian, lại có vấn đề xuất hiện. Bầy chó nhận ra: thỏ lớn khó bắt hơn thỏ bé, vậy mà bắt được bất kể thỏ lớn hay thỏ bé thì đều nhận trả công như nhau. Lúc đầu chỉ có một vài con giỏi nhận xét mới chuyên bắt thỏ nhỏ, sau cả đàn đều làm theo.
Thợ săn nghĩ rằng kỹ năng săn bắt của mấy chú chó chưa đạt yêu cầu, vì vậy đã mở ra một buổi huấn luyện “Kỹ năng bắt thỏ lớn”. Tuy nhiên, sau khi trải qua buổi huấn luyện, thợ săn vẫn nhận thấy chất lượng thỏ săn được không cao.
Thợ săn hỏi:
- Gần đây thỏ bọn bay bắt được càng ngày càng nhỏ, vì sao vậy?
Bầy chó trả lời:
- Sao phải phí nhiều công sức đi bắt thỏ lớn chứ? Có gì khác nhau đâu?
Bài học quản lý thứ hai: Động lực được tạo ra từ khích lệ
Sau một thời gian suy nghĩ, thợ săn quyết định không dùng xương để trả cho số lượng thỏ, mà dùng phương pháp đánh giá hiệu quả: thống kê trọng lượng thỏ bắt được trong một khoảng thời gian cụ thể, sau đó căn cứ vào tổng số để trả công cho từng con.
Cách quản lý mới của thợ săn lập tức có tác dụng, số thỏ bầy chó săn về tăng cả số lượng lẫn chất lượng. Thợ săn rất đắc ý
…
Thế nhưng, ngày này qua ngày khác, thợ săn lại thấy số thỏ bầy chó săn về giảm rõ rệt, mà những con chó càng nhiều kinh nghiệm thì lại đem về càng ít thỏ.
Thợ săn lại hỏi bầy chó. Bầy chó đáp:
- Quãng đời đẹp nhất của chúng tôi đều là cho ông, chủ nhân. Nhưng thời gian trôi qua, bọn tôi ngày một già. Khi không bắt được thỏ nữa, ông có còn cho chúng tôi xương không?
Bài học quản lý thứ ba: Khích lệ liên tục sẽ tạo ra động lực lâu dài
Thế là thợ săn ra quyết định “luận công ban thưởng”: Thống kê lại toàn bộ số thỏ bắt được của từng con, tiến hành phân tích, đưa ra quy định mới về trả công: Nếu bắt được số thỏ vượt một mức nhất định, chó săn khi về già sẽ được trả một số xương nhất định.
Bầy chó vui sướng, tất cả lại lao đi săn, cố để hoàn thành nhiệm vụ ông chủ giao. Qua một thời gian, một số chú chó săn đã hoàn thành chỉ tiêu quy định.
…
Một thời gian sau, có một con nói:
- Chúng ta cố gắng thế mà chỉ được trả mấy khúc xương, mà số thỏ tôi săn được quý gấp bao nhiêu lần xương. Vì sao chúng ta không bắt thỏ cho riêng mình nhỉ?
Thế là có mấy chú chó săn bỏ người thợ săn ra đi để tự mình bắt thỏ. Những chú chó săn này bước ra tự làm kinh doanh.
Chó săn thỏ
Chó săn & Thỏ
Người thợ săn ý thức được rằng số lượng chó săn đang giảm dần, hơn nữa những chú chó bỏ đi này giống như những con chó hoang, chúng tranh giành săn thỏ với những con chó săn còn lại.
Tuy nhiên, cũng không phải tất cả chó hoang bữa nào cũng có thịt ăn. Đa số những cuộc tranh giành cuối cùng cũng không có lấy một mẩu xương.
Người thợ săn bèn nghĩ ra thêm một nguyên tắc: Mỗi con chó săn ngoài lượng xương cơ bản ra, còn có thể nhận được n% của tổng lượng thịt thỏ săn được. Ngoài ra, tùy theo thâm niên và sự cống hiến, nếu tỷ lệ này đều đặn thì chó săn có quyền được hưởng m% của tổng lượng thịt thỏ của thợ săn.
Cứ như vậy, chó săn và thợ săn cùng nhau cố gắng, khiến cho những con chó hoang phải trải qua những ngày điêu đứng, lần lượt tranh nhau xin quay về.
…
Câu chuyện không dừng lại ở đó…
Ngày ngày trôi qua, mùa đông đã đến, số lượng thỏ ngày càng ít, lượng thu hoạch của thợ săn ngày càng ít dần đi. Vậy mà những con chó săn già, già đến nỗi không săn nổi thỏ, nhưng vẫn được hưởng phần lớn thức ăn mà chúng cho là đáng được hưởng.
Cuối cùng một ngày nọ, người thợ săn cũng không chịu nổi, đuổi hết chúng ra ngoài vì thợ săn chỉ cần những con chó khỏe mạnh thôi.
Sự thành lập của MicroBone Co.
Những con chó bị đuổi ra ngoài nhận được một số tiền bồi thường không nhỏ, thế là chúng rủ nhau thành lập công ty MicroBone.
Chúng vận dụng phương thức liên minh tiêu thụ, chiêu mộ chó hoang, đào tạo kỹ năng săn thỏ cho chó hoang, sau đó lấy một phần chi phí quản lý từ những con thỏ thu được.
Khi số tiền bồi thường đã được sử dụng vào quảng cáo hết thì chúng đã có đủ số lượng chó hoang cùng hợp tác. Công ty bắt đầu hái ra tiền. Sau một năm, chúng đã mua lại nhà của người thợ săn.
Sự phát triển của MicroBone Co.
Công ty MicroBone hứa sẽ chia n% cổ phần của công ty cho những con chó hoang thành viên. Đây thực sự là một sức hút. Những con chó hoang tưởng chừng bỏ đi này cảm thấy như tìm được tri âm: rốt cuộc có thể làm chủ nhân của một công ty, không cần chịu sự bực mình khi người thợ săn sai bảo, không cần phải vắt kiệt sức để đi săn đủ thỏ, cũng không cần trương mắt xin người thợ săn 2 cục xương được chia một cách rất đáng thương. Đối với những chú chó hoang mà nói, điều này lớn hơn cả 2 cục xương.
Thế là chó hoang đem cả gia đình gia nhập MicroBone, một số chú chó trẻ của người thợ săn cũng bắt đầu rục rịch, thậm chí rất nhiều thợ săn tự cho mình thông minh cũng muốn tham gia. Rất nhiều công ty cùng loại hình bắt đầu mọc lên như nấm: BoneEase, Bone.com, ChinaBone…
Một thời gian sau, cả khu rừng bắt đầu trở nên hết sức náo nhiệt.
Thay phần kết...
Người thợ săn dựa vào số tiền bán công ty, đi trên con đường chú chó săn già đã đi, cuối cùng khi vất vả cùng công ty MicroBone đàm phán, chú chó già đã bất ngờ bán MicroBone cho người thợ săn.
Các chú chó săn già từ đó không kinh doanh công ty nữa mà bắt đầu chuyển sang viết sách. Các quyển sách lần lượt ra đời:
Cuộc đời chó săn già
Làm thế nào để trở thành một chú chó săn xuất sắc
Làm sao từ một con chó bình thường trở thành một chú chó thuộc tầng lớp quản lý
Bí quyết thành công của chó săn
100 điều thành công của chó săn
Chó săn nghèo, chó săn giàu
…
Câu chuyện về chú chó được đưa lên màn ảnh, có tên là “Vườn chó săn”. Chú chó săn già trở thành minh tinh nổi tiếng, có được lợi nhuận cao từ tiền bản quyền, và số tiền này thì không có rủi ro…
Câu chuyện ấy giờ đây đã, đang và sẽ còn tiếp diễn…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét