Trong thời kỳ lạm phát tăng cao, đồng lương của bạn trở nên ít hơn nếu so sánh với mức tăng giá. Trong khi bạn mong muốn tăng lương thì công ty của bạn cũng đang gặp những khó khăn và phải tìm cách cắt giảm chi phí. Vậy thì làm sao đây?
Việc thỏa thuận lương là việc không dễ dàng nếu không khéo léo, bạn sẽ gây khó chịu, bực bội cho người quản lý. Ngược lại, đối với các nhà quản trị nhân sự, việc thuyết phục nhân viên chấp nhận mức lương cũng khó khăn không kém và do đó lúc doanh nghiệp dễ mất nhân viên nhất khi anh ta yêu cầu tăng lương mà không được thỏa mãn.
Phần 1: Lời khuyên cho các nhân viên
Là một nhân viên, điều quan trọng là bạn nên nhận ra được sự khác biệt giữa giá trị của vị trí công việc và giá trị cá nhân của bạn. Nếu bạn thấy khó chịu về mức lương thì có nghĩa là công việc đã không phản ánh hết giá trị của bạn. Bạn có thể có giá trị tiềm năng cao, cống hiến nhiều hơn nhưng vì vị trí của bạn làm bạn không thể hiện đầy đủ hết khả năng của mình Đồng thời, mức lương cũng được xác định bởi sự tác động mạnh mẽ của thị trường lao động, trong đó chi phí thay thế nhân viên là điều rất đáng lưu ý. Vì vậy, nếu bạn nắm vững những nguyên tắc dưới đây thì bạn sẽ có thể kiểm sóat được thu nhập của mình và cũng giúp ích trong việc yêu cầu nhà quản lý tăng lương cho bạn.
Nếu bạn vừa nhận vị trí mới
Đây là thời điểm tốt nhất để thỏa thuận lương. Nếu bạn đã được nhà quản lý lựa chọn và mời vào công việc mới thì bạn rất có ưu thế trong cuộc thương lượng này vì điều đó chứng tỏ nhà quản lý đã thấy bạn là người thích hợp nhất. Bạn sẽ nhiều ưu thế hơn nếu lúc này bạn có vài lựa chọn công việc khác. Hãy khéo léo cho nhà quản lý biết rằng bạn rất yêu thích công việc này nhưng bạn cũng phải cân nhắc vài công việc khác vì vấn đề lương bổng là khó khăn của bạn.
Nếu bạn đang trong cuộc phỏng vấn vào một công việc mới thì bạn cần thuyết phục nhà quản lý rằng bạn là ứng viên giỏi nhất đối với công việc đó trước khi đặt ra vấn đề lương bổng. Hãy nói với họ “Trước tiên chúng ta hãy xem tôi có phù hợp với vị trí này không rồi chúng ta mới có thể trao đổi hoặc thỏa thuận chi tiết tiếp”.
Nếu trong cuộc phỏng vấn, nhà quản lý yêu cầu bạn đưa ra đưa ra mức lương mong đợi thì bạn hãy đưa ra mức luơng cao nhất đã chuẩn bị trước (có thể thêm 10-20% nếu bạn muốn) và quyết định cuối cùng của bạn sẽ dựa vào việc so sánh và lựa chọn mức lương giữa vài công ty. Tối thiểu bạn nên nộp hồ sơ vào tối thiểu 2 công ty khác nhau và cho dù bạn chưa biết kết quả các công ty khác, hãy cứ ứng xử như thế bạn gần như chắc chắn có công việc ấy.
Đừng để người phỏng vấn đề nghị hoặc tranh luận về mức lươmg dựa vào mức lương trước đây của bạn mà hãy nên kiên quyết trong việc này. Tiền lương trước đây của bạn và lý do bạn làm việc với mức lương đó không liên quan đến họ. Điều quan trọng là lúc này nếu bạn không có được mức lương vừa ý tại công ty họ, bạn có thể cống hiến tốt hơn tại công ty khác. Tuy vậy, bạn cũng đừng nên tỏ ra kiêu ngạo như thể bạn không cần đến công ty họ. Hãy nhấn mạnh rằng bạn thực sự yêu thích công việc nhưng bạn không thể không quan tâm đến lương.
Bạn cũng không cần nhanh chóng trả lời có chấp nhận hay từ chối đề nghị của họ mặc dù phần lớn nhà quản trị thích như vậy. Tất nhiên họ cũng muốn nhanh chóng có câu trả lời vì họ muốn nhanh chóng kết thúc việc tuyển dụng càng sớm càng tốt. Nhưng họ cũng sẽ tôn trọng những người cẩn trọng trong suy nghĩ.
Nếu bạn muốn tăng lương với vị trí hiện tại
Nếu bạn thấy cần tăng luơng thì cách tốt nhất là hãy yêu cầu thêm công việc và trách nhiệm rồi liên hệ việc này với việc tăng lương, nếu không phải ngay lập tức thì cũng trong thời gian ngắn. Đây là cách làm chủ động và hợp lý vì bạn chứng tỏ rằng trả thêm lương cho bạn hoàn toàn không làm tăng chi phí của công ty, chỉ đơn giản là bạn làm nhiều việc hơn.
Bạn cần phải hiểu rõ cách thưởng tăng lương của tổ chức, nếu không biết rõ thì bạn nên trao đổi riêng với sếp – người quản lý trực tiếp của bạn. Việc trả lương thông thường được liên hệ với thành tích cho phép công ty tăng cấp bậc, thăng tiến hoặc thưởng. Khi trao đổi trực tiếp với sếp, bạn có thể chứng minh cống hiến của bạn, trách nhiệm, và giá trị tiềm năng của mình. Bạn cũng có thể hỏi sếp về những cơ hội để bạn có thể cải thiện mức lương. Cho dù sếp trực tiếp không phải là người quyết định lương của bạn (thường là Giám đốc nhân sự), và tất nhiên bạn cần có sự ủng hộ của sếp.
Khi được trao đổi trực tiếp với sếp không nên trình bày lý do chính xác cuộc gặp mặt này mà hãy nói đó chỉ là vấn đề riêng tư hay trao đổi về sự tiến bộ, giới thiệu một dự án. Nếu bạn đề cập thẳng vào vấn đề thì sếp của bạn sẽ từ chối ngay lập tức và bạn sẽ mất cơ hội để trình bày tình hình và quan điểm của bạn.
Trước khi gặp sếp, bạn phải nên suy nghĩ tường tận về các nhân tố ảnh hưởng đến lương. Thường là các yếu tố sau:
* Mức lương của bạn so với mức lương cơ bản trên thị trường;
* Tỉ lệ lạm phát;
* Chi phí sống và làm việc;
* Tỉ lệ thay thế, giữ lại và tuyển dụng nhân viên;
* Ngân quỹ công ty dành cho việc tăng lương;
* Giá trị của bạn đối với sếp và công ty;
* Công ty có dễ dàng thay thế bạn bằng một mgườI khác có khả năng tương tự;
* Bạn đảm nhiệm thêm bao nhiêu nhiệm vụ;
* Sự nỗ lực và tham vọng trong công việc;
* Và điều quan trọng là bạn sẽ làm gì nếu không được tăng lương.
Tuy nhiên, đừng quá nhấn mạnh vào tỷ lệ lạm phát, chỉ sống và làm việc… Hãy đặt mình vào vị trí của sếp và nghĩ xem sếp sẽ hành động thế nào? Nếu bạn than thở về lương của mình, có thể bạn sẽ lại nghe một bài than thở khác về những khó khăn của công ty và kêu gọi sự chia sẻ.
Hãy nhấn mạnh vào việc bạn đã chuẩn bị làm gì cho công ty, công ty sẽ được gì từ việc làm đó của bạn.
Hãy cố gắng tránh suy nghĩ và trình bày tình trạng của bạn bằng các thuật ngữ “Tôi muốn” hoặc “Tôi cần” mà hãy cố trình bày quan điểm khách quan, trung lập như thể bạn là người quan sát. Lưu ý rằng bất kỳ hình thức đe dọa nào (từ chức hoặc giảm năng suất làm việc) thì chỉ chọc giận sếp và công ty mà thôi.
Nếu công ty không đồng ý yêu cầu của bạn thì hãy hỏi lý do tại sao và xem xét cẩn thận những lý do này. Hãy nghiêm túc và bình tĩnh trao đổi thân thiện vì tranh cãi với sếp không mang lại lợi ích cho bất kì ai.
Trường hợp xấu nhất là bạn không thỏa thuận được lương và sẽ ra đi để tìm công việc khác thì hãy suy nghĩ cẩn thận vì chỗ này không tốt nhưng sẽ có chỗ khác có thể còn tồi tệ hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sếp của bạn phản ứng lại việc từ chức của bạn bằng cách tăng lương cho bạn, thậm chí thăng chức. Đó là cách mà nhiều doanh nghiệp đã làm vì họ không muốn có rắc rối và hao tốn chi phí tuyển dụng, lựa chọn và đào tạo nhân viên mới. Nếu điều này xảy ra thì bạn đừng từ chối chỉ vì lòng kiêu hãnh của mình.
Tuy nhiên, có những công việc được giao mà dù không được tăng lương bạn vẫn nên làm nếu bạn thấy công việc đó sẽ đem lại cho bạn kiến thức, kinh nghiệm và các giá trị vô hình khác ngoài tài chính. Đặc biệt nếu bạn thấy công việc quản lý như thế sẽ là bàn đạp để đưa bạn đến với những thứ quan trọng và lớn lao hơn như thay thế vị trí của sếp bạn, chỉ vào bộ phận cố vấn hoặc trở thanh giám đốc điều hành vào một ngày nào đó thì bạn cần cân nhắc kỹ càng công việc này rồi hãy làm việc thật chuyên nghiệp và với thái độ chân thành. Do đó, tiền lương không phải là tất cả.
Phần 2: Lời khuyên cho các nhà quản lý
Nếu bạn trả cho nhân viên với giá thấp hơn thị trường sẽ làm cho các nhân viên chán nản và cảm thấy bị lừa gạt. Vì vậy bạn hãy chân thành giúp các nhân viên có quyết định đúng đắn và công bằng đối với sự nghiệp của họ, họ sẽ tôn trọng bạn và tổ chức vì việc làm đó.
Là một nhà quản lý, bạn cần hiểu rằng việc các nhân viên yêu cầu tăng lương hoặc thăng chức không phải vì họ tham lam mà vì họ chỉ muốn mình được đánh giá và đối xử công bằng, tuy nhiên bạn cũng cần đánh giá tính đầy đủ và hợp lý của yêu cầu đó.
Hãy biết rằng mối quan tâm hàng đầu là được làm việc vui vẻ và thoải mái trong điều kiện công bằng và phù hợp. Vì vậy khi nhận được đề nghị tăng lương từ nhân viên, bạn hãy thể hiện tinh thần hợp tác, cởi mở và đừng nên áp đặt họ.
Nếu nhân viên của bạn đang muốn nâng cao trình độ hoặc bạn biết họ thích công việc này thì hãy khuyến khích họ nhận thêm công việc vì đó là cơ hội để họ học hỏi, phát triển và trưởng thành. Dù bạn không được trả thêm tiền nhưng cơ hội đó cũng đem lại cho họ nhiều lợi ích khác ngoài phần thưởng tài chính.
Hãy giúp nhân viên hiểu rằng sự nghiệp của họ là một cuộc chạy đường dài chứ không phải là một cuộc đua nước rút. Thời gian càng lâu, nhân viên càng nên kiên trì thì nền tảng sự nghiệp tại công ty càng vững chắc và dần dần họ sẽ nhận được những gì họ thật sự xứng đáng để có.
Tuy nhiên, không ai có thể làm “từ thiện” mãi mãi. Nhà quản lý cần nhận ra và hồi đáp lại sự tiến bộ của một nhân viên giỏi qua việc tăng lương, cấp bậc hoặc phần thưởng.
Bạn có thể hứa hẹn về phần thưởng mà nhân viên sẽ nhận được khi hoàn thành nhiệm vụ mà không yêu cầu tăng lương nhưng bạn phải chắc chắn mình có thể làm được. Tạo ra một sự trông đợi lớn ở nhân viên sẽ gây ra một sự thất vọng lớn tương xứng. Họ sẽ lập tức rời bỏ công ty nếu họ cho rằng họ bị lừa gạt và bóc lột sức lao động.
Giải quyết khi nhân viên nghỉ việc vì không hài lòng với mức lương
Nếu nhân viên giỏi rời khỏi công ty vì đã có công việc khác hoặc từ chức vì lý do lương bổng thì điều đó thể hiện công ty đã không đánh giá và khen thưởng nhân viên hiệu quả. Những nhà quản lý giỏi sẽ cố gằng giữ lại những nhân viên trong tình huống này (thông thường bằng cách chấp nhận tăng lương hoặc thăng chức). Ngược lại, những nhà quản lý tồi có lẽ sẽ không làm như vậy. Họ thường không biết được sự khác biệt nào giữa một nhân viên giỏi, khá, trung bình và rồi sẽ thường xuyên để các nhân viên giỏi nhất ra đi.
Khi bạn vô tình không chấp nhận yêu cầu của nhân viên giỏi vì bạn chỉ quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí và tạo ra lợi nhuận, bạn cũng sẽ tiết kiệm được tiền trong thời gian ngắn nhưng rồi sẽ dần dần mất đi những nhân viên giỏi nhất của mình. Và cứ thế bạn trả thêm hàng loạt các loại tiền để thu hút, đào tạo và giữ lại bất kì người nào.
Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nói cách khác các nhà quản lý cần có chế độ đãi ngộ thích hợp đối với nhân viên, đặc biệt là những nhân viên có tinh thần làm việc tốt và trung thành. Đừng để họ phải nộp đơn từ chức vì cảm thấy không được trả lương và công nhận xứng đáng thành tựu của mình, vì khi ấy, nhiều khả năng họ vẫn sẽ ra đi cho dù bạn có vội vàng tăng lương hay thăng chức cho họ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét