Denise cuối cùng cũng đã đạt được mục tiêu của mình là trở thành giám đốc điều hành tại công ty của mình. Nhưng, cũng giống như bất kỳ một người nào khác, khi chuyển sang cương vị lãnh đạo, bà đã gặp một số khó khăn.
Nếu một nhân viên bình thường, hàng ngày chỉ cần tập trung vào những công việc được giao là đủ, thì nay trong vai trò của một CEO, bà phải thường xuyên xuất hiện trước đám đông và trở thành trung tâm thu hút sự chú ý và quan tâm của nhiều người. Trong suốt tuần lễ đầu tiên ở vị trí mới này, Denise đã hạn chế tiếp xúc và né tránh các bài diễn thuyết.
Nhưng, cũng đến lúc bà không thể tránh được nữa: đó là thời điểm bắt buộc bà phải trình bày quan điểm phát triển công ty trong vòng năm năm tới. Có nghĩa bà sẽ phải có một bài diễn thuyết, sử dụng chương trình PowerPoint để minh họa cho những ý tưởng của mình trước toàn thể ban lãnh đạo công ty. Bà đã bị rơi vào một trạng thái giống nhiều người trong những tình huống tương tự. Đó là sự lo ngại.
Song dù có lo ngại đến đâu chăng nữa, thì buổi diễn thuyết cũng ngày một đến gần và khủng hoảng chỉ làm lãng phí thời gian. Denise quyết định học cách diễn thuyết hiệu quả. Nhanh chóng tập hợp 20 slide để trình chiếu, chuẩn bị thêm một số vấn đề quan trọng và thử dự đoán trước những câu hỏi có thể sẽ gặp phải và tìm câu trả lời cho chúng. Cuối cùng thì Denise đã vượt qua nỗi lo ngại của chính bản thân mình. Bà tự tin trình bày một bài diễn thuyết thành công và khá ấn tượng. Sau sự kiện này, bà đã rút ra được một bài học vô giá: có thể bạn chưa phải là người có khả năng diễn thuyết hoàn hảo nhất, nhưng để thành công khi trình bày hay phát biểu trước công chúng, dứt khoát bạn phải chuẩn bị kỹ.
Để đảm bảo không rơi vào thế bị động vì thiếu sự chuẩn bị trước khi đứng trên bục diễn thuyết, bạn nên tránh tám lỗi thông thường sau đây:
Lỗi thứ nhất: Đánh giá thấp tầm quan trọng của khả năng nói trước đám đông
Nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo trong công ty, đừng bao giờ đánh giá thấp sự cần thiết của khả năng nói trước đám đông. Khả năng này sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để lãnh đạo xem xét khi có ý định cất nhắc bạn vào một vị trí quản lý nào đó. Tuy nhiên, khả năng nói trước đám đông không phải tự nhiên mà có, cũng như không thể chờ khi biết lãnh đạo có ý định cất nhắc, thì bạn mới tìm cách học nó. Kỹ năng này phải được rèn luyện trong suốt một thời gian dài. Vì vậy, hãy nắm giữ và làm chủ nó trước khi bạn cần đến.
Lỗi thứ hai: Nói những lời “có cánh”
Eric, một vị phó chủ tịch được xem như là ứng viên sáng giá nhất cho chức danh CEO tại một công ty, được yêu cầu trình bày một bài diễn thuyết trước toàn thể ban lãnh đạo công ty. Gạt hết những dự án đang làm sang một bên, anh ta quyết định tập trung sức lực để thực hiện một bài diễn văn “có cánh”. Đó là một ý tưởng tồi. Bài diễn thuyết của Eric đã thể hiện sự trau chuốt và lịch sự. Tuy nhiên, người nghe cảm thấy nhạt nhẽo.
Điều đã khiến cho vấn đề của Eric trở nên tồi tệ hơn khi cũng trong ngày hôm đó, một ứng viên khác và là đồng nghiệp của Eric, Fred đã có một bài diễn thuyết rất thành công. Fred đã chuẩn bị rất cẩn thận ở nhà, tổ chức các ý tưởng của mình và tập diễn thuyết vào đêm trước đó. Đối lập với Eric, bài diễn thuyết này được trình bày ngắn gọn, súc tích, thể hiện là một người có đầu óc tổ chức, tinh tế và anh ta đã trả lời các câu hỏi chất vấn một cách dễ dàng.
Bạn hãy thử nghĩ xem, ban lãnh đạo công ty này sẽ quyết định lựa chọn ai vào vị trí CEO mới cho công ty?
Lỗi thứ ba: Toàn bộ nội dung được “giao phó” hoàn toàn cho người chuyên viết diễn thuyết
Nếu bạn có thể thuê một người chuyên viết diễn thuyết tốt, bạn nên làm điều đó. Một nhà diễn thuyết có thể sử dụng người nào đó để diễn đạt ý tưởng của mình. Họ sẽ vận dụng sự chuyên nghiệp để tìm cách diễn đạt một cách hay nhất những gì mà bạn phải nói. Nhưng đừng để này làm thay cho bạn tất cả.
Bởi vì suy cho cùng, bạn phải cảm thấy thoải mái và tự tin với những gì mà bạn sẽ nói. Bạn có thể nhận sự giúp đỡ từ họ, nhưng phải đảm bảo chắc chắn bài diễn thuyết đó là của mình.
Lỗi thứ tư: Không trả lời các câu hỏi
Hãy sẵn sàng và vui lòng trả lời một cách trung thực mọi câu hỏi được đưa ra sau khi trình bày bài diễn thuyết. Nếu như bạn cảm thấy khó có thể trả lời một câu hỏi nào đó, hãy nói thật điều đó. Nếu bỏ qua câu hỏi khó trả lời, người nghe sẽ cảm thấy bạn lừa dối họ. Điều này có thể sẽ làm hỏng danh tiếng của bạn. Còn nếu bạn trả lời là không biết, ít ra người nghe cũng sẽ cảm thấy hài lòng vì đó là một câu nói thật.
Lỗi thứ năm: Không chú ý đến sự có mặt của người nghe
Những người tham dự buổi diễn thuyết của bạn thường đã gác lại hàng núi công việc của họ để đến và nghe bạn nói. Vậy thì ít ra bạn cũng nên cám ơn sự có mặt của họ và biến thời gian mà họ dành cho bạn trở nên có ý nghĩa. Bất kể khi bạn nói trước ban lãnh đạo công ty hay trước toàn thể nhân viên, hoặc thậm chí chỉ là những ứng cử viên tìm việc làm, điều đầu tiên bạn nên nghĩ xem họ là ai, họ muốn biết điều gì, và điều này phải được thể hiện ngay từ những từ ngữ mở đầu trong bài diễn văn của bạn.
Nếu cảm thấy không chắc chắn lắm về những gì bạn định nói, có thể phỏng vấn một số người sẽ trở thành người nghe của bạn để có thêm một số thông tin cần thiết. Hãy luôn nhớ đến sự có mặt của người nghe cũng như những gì mà họ muốn nghe, đó chính là cơ hội để họ nhớ đến bạn.
Lỗi thứ sáu: Bối rối khi trả lời các câu hỏi
Sau một bài diễn thuyết, một CEO thường tập trung sự chú ý vào các câu hỏi và nhiều người trở nên quá căng thẳng. Thậm chí có người trở nên rất lóng ngóng, vụng về trước các câu hỏi khó. Điều này khiến họ mất tự tin và khiến cho người nghe cảm thấy dường như họ chưa chuẩn bị để sẵn sàng trả lời những câu hỏi đó. Nhiều người khi đó sẽ phân vân: “Chẳng nhẽ anh ta lại không biết điều này nên trả lời như thế nào hay sao?”. Vì vậy, nếu rơi vào trường hợp này, bạn hãy bình tĩnh và lần lượt trả lời từ các câu hỏi dễ trước, để dành thêm thời gian suy nghĩ cho các câu hỏi khó sau.
Lỗi thứ bảy: Không biết khi nào nên dừng bài diễn thuyết
Khi đứng trên bục diễn thuyết, chỉ những người có ít kinh nghiệm mới đứng lâu và nói nhiều. Để tránh bị rơi vào cái lỗi chết người này, bạn nên đứng để nói và nói một cách ngắn gọn. Không nên ngồi và đọc bài diễn văn của mình vì như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó bạn cũng nên nói to, rõ ràng. Bạn nên nhớ rằng, sẽ chẳng có ai chỉ trích rằng bài diễn thuyết của bạn quá ngắn gọn.
Lỗi thứ tám: Không biết tạo ra sự hài hước
Sự hài hước và hóm hỉnh sẽ là chiếc cầu nối giữa bạn và người nghe. Bạn không phải là David Letterman (MC nổi tiếng của truyền hình Mỹ) hay Diễn viên Joan River – những người luôn thể hiện sự hài hước khi nói và diễn. Nhưng bạn hãy thử có một chút hài hước. Hãy kể một câu chuyện ngắn gây cười, hoặc nhận xét một cách vô tư và thoải mái về một tình huống nào đó hay là nói về thời tiết chẳng hạn. Một chút hài hước sẽ khiến cho bầu không khí với người nghe trở nên ấm áp và gần gũi hơn.
Bất cứ ai cũng có thể mắc lỗi khi diễn thuyết trước đám đông. Vấn đề quan trọng là phải rút ra được bài học để tránh mắc phải trong lần diễn thuyết tiếp theo. Hãy nhớ đến tám lỗi thông thường mà nhiều người mắc phải trên đây và hãy cố tránh khi chuẩn bị, khi tập thử và khi đứng trên bục diễn thuyết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét