Không phải là
dạy đời!!
Nhân Viên Mới chửa có kinh nghiệm gì để đi dạy đời người khác
cả :D Đơn giản chỉ là 3 năm làm leader tại các nhóm thảo luận, thi thố ... tại
trường, quản lý từ 2 - 11 mem thành viên cũng toàn sinh viên làm cho NVM tự
nhận ra rằng: "Hãy ủy thác cho người khác, nếu bạn muốn thành
công!"
Năm đầu làm “lít”, phần lớn tất cả các leader "non" đều
khởi động từ mô hình một người làm tất cả mọi thứ, cái này không khác gì một chủ cửa hàng nhỏ,
vừa bán hàng vừa điều hành cửa hàng – các công ty “non” chắc cũng thế mà thôi
:D. Nhưng, nếu bạn có thể lập biểu đồ - phân chia công việc, ủy thác cho các cá
nhân một cách hợp lý thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. NVM đã triển
khai biện pháp này ngay năm thứ 2, sau bao nhiêu vật vã thì cuối cùng đến cuối năm
thứ ba, đầu năm thứ 4 mọi chuyện có vẻ đi vào nề nếp và công việc bắt đầu trơn
chu, ổn định hơn.
Việc thực hành
kỹ năng ủy thác là một việc khó, không phải bàn cãi, nhưng nếu thực hiện tốt
được việc này, đây sẽ là chìa khóa để giúp bạn phát triển doanh nghiệp vững
vàng và cân bằng được cuộc sống và công việc. Thậm chí ngay cả khi doanh nghiệp
của bạn là doanh nghiệp chỉ có một người thì việc một người làm tất cả từ a đến
z cũng không thể nào giải quyết hết được mọi vấn đề. Và trong trường hợp bạn có
thể căng sức ra để làm hết mọi việc, thì bạn sẽ phải trả giá bằng một cuộc sống
riêng tư không mấy vui vẻ và những xích mích với gia đình vì bạn không còn thời
gian dành cho họ.
Vậy nên, hãy lấy một hơi thở sâu,
sau đó, bạn sắp xếp những việc nào bạn thấy nên ủy thác cho người khác hoặc cho
một bên thứ ba nào đó thực hiện theo thứ tự ưu tiên (nếu bạn thực sự muốn dành
thời gian để làm việc bạn muốn làm và sống vui vẻ, hạnh phúc). Những người được
ủy thác sẽ giúp bạn có nhiều thời gian rảnh hơn và bạn sẽ cảm nhận được việc ủy
thác có thể giúp bạn thành công như thế nào.
Những việc nào nên ủy thác?
Bạn nên ủy thác những việc không
liên quan tới chuyện kiếm tiền. Ví dụ, một chuyên gia kế toán có thể giúp bạn
làm công việc sổ sách hoặc một công ty chuyên nhận trông coi tài sản sẽ lo việc
giữ kho cho bạn. Đây không phải là những khâu "kiếm ra tiền" trong
chuỗi sản xuất kinh doanh của bạn. Do đó hãy kiếm người khác làm thay cho bạn,
và bạn sẽ có nhiều thời gian rảnh để tập trung vào những kỹ năng, tài năng đặc
biệt của bạn để làm những việc có hiệu quả cao hơn.
Lợi ích ở đây chính là nếu bạn biết
ủy thác đúng việc, chính bạn cũng sẽ trở nên năng suất đáng kinh ngạc. Và đối
với những doanh nghiệp làm dịch vụ, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có
nhiều thời gian để kiếm thêm tiền.
Bắt đầu việc ủy thác như thế nào?
1) Quyết định bạn sẽ tiến hành việc
ủy thác:
Bạn phải thừa nhận là bạn không thể
làm tất cả mọi việc bạn muốn làm và dừng ngay việc bạn cố gắng tự mình làm mọi
việc.
2) Quyết định xem sẽ ủy thác những
việc nào:
Có một số lĩnh vực nhất định mà bạn
luôn cần sự giúp đỡ của người khác hoặc có những việc mà bạn không thích làm
cho lắm. Đó chính là những đầu việc nên nằm trong danh sách ủy thác. Hãy nhớ là
bạn không muốn ủy thác phần việc cốt lõi nhất của công ty bạn (phần kiếm ra
tiền).
Bạn cũng nên luôn nhớ rằng những
việc bạn chọn để ủy thác không phải là những việc liên quan tới kinh
doanh. Nếu ủy thác việc này có thể việc kinh doanh của bạn sẽ chậm lại, cho nên
việc này bạn nên dành thời gian cho nó và tạo được sự cân bằng về tài chính cho
công ty. Ví dụ, một doanh nghiệp nhỏ sẽ nghĩ tới việc thuê người lau dọn nhà
hàng ngày để tập trung vào việc phát triển công việc kinh doanh.
3) Tìm người để ủy thác:
Bạn cần phải tìm một ai đó để ủy
thác. Người đó phải là người đáng tin cậy và bạn đã có thời gian tìm hiểu họ.
Hãy bắt đầu bằng việc yêu cầu những người bạn hay gia đình giúp đỡ, hoặc
nhờ một doanh nghiệp nào đó giới thiệu cho bạn một người có thể làm tốt những
việc bạn cần. Tìm được đúng người vào đúng thời điểm thậm chí bạn còn có cơ hội
trở thành một thành viên của một nhóm những doanh nghiệp trẻ thực sự là một cơ
hội vô giá.
Đừng chỉ chọn bừa một cái tên và
tiến hành ủy thác. Hãy nghiên cứu kỹ ứng viên tiềm năng và hãy kiểm tra mức độ
tin cậy của người này. Hãy hỏi họ về những khách hàng mà họ đã cung cấp dịch vụ
và hãy nói chuyện với khách hàng của họ, sau đó hãy nói chuyện tiếp.
Bí quyết để ủy thác thành công
Hãy chỉ ra
càng cụ thể càng tốt việc bạn muốn ủy thác
Sẽ chẳng có kết quả gì nếu bạn thuê
một người về sau đó chỉ nói chung chung là bạn muốn họ giúp đỡ giải quyết công
việc ở công ty rồi sau đó phàn nàn là họ chẳng giúp được gì cho bạn. Hay bạn
chờ đợi kế toán của bạn sẽ đưa ra những lời khuyên tốt trong khi chính bạn
không bao giờ ngồi cùng họ để tìm hiểu xem thực tế doanh nghiệp của bạn đang ở
đâu và bạn muốn nó phát triển như thế nào. Bạn phải rất rõ ràng đối với những
gì bạn muốn thực hiện và bạn muốn nó được thực hiện như thế nào. Chỉ có thế thì
việc ủy thác mới thành công.
Hãy để
người khác lo cho bạn
Chúng ta sẽ cảm thấy rất nực cười
nếu như có một chủ cửa hàng nào đó sau khi đã thuê người trông cửa hàng cho
mình để đi nghỉ mà hàng ngày vẫn gọi cả chục cú điện thoại để kiểm tra xem có
ai ở đó trông cửa hàng không, trong khi lúc nào cũng có người ở đó. Bạn phải
nhận ra một điều là khi bạn đã ủy thác một việc nào đó, thì việc đó thường sẽ
nằm ngoài tầm với của bạn, và bạn nên tránh việc can thiệp vào quá trình thực
hiện của người khác. Hãy chờ cho tới khi nó có kết quả, bạn hãy đánh giá nó có
thành công hay không.
Đừng ủy
thác nhiều việc một lúc
Trên thực tế, nếu việc ủy thác làm
cho bạn cảm thấy không thoải mái, bạn nên bắt đầu ủy thác từng việc một. Việc
tự tin hơn với việc ủy thác sẽ đến theo thời gian, khi bạn cảm nhận được là
việc ủy thác đã đem lại cho bạn những thành công nhất định. Khi đó, bạn sẽ sẵn
sàng để ủy thác những việc khác.
Đừng bỏ
cuộc quá sớm
Nếu quan hệ của bạn với kế
toán không được tốt. Ví dụ anh ta quá hiếu thắng, thích tranh cãi và anh
ta thực sự không dành nhiều thời gian quan tâm tới công việc của bạn. Thay bằng
việc tạm biệt anh ta và tự làm lấy công việc kế toán (hoặc tệ hơn là đánh mất
một mối quan hệ chỉ vì mình không được hài lòng cho lắm), bạn có thể tìm một
người kế toán khác, người có thể làm cho bạn hài lòng hơn. Khi bạn bắt đầu tiến
hành ủy thác, bạn không nhất thiết phải kiếm được đúng người ngay. Nhưng bạn
phải khẳng định chắc chắn một điều là rồi bạn sẽ phải tìm đúng người, có như
vậy thì việc ủy thác mới thành công.
Ủy thác là một việc khó đối với tất
cả các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng nếu bạn muốn cân bằng cuộc sống và công việc,
thì đây chính là một kỹ năng mà bạn phải thực hành cho tới lúc bạn trở
nên thuần thục với việc thực hiện nó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét