Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Định hướng nghề nghiệp khi học đại học

Phowr tôi có một đứa em năm nay thi đại học. Vì hắn khá thụ động trong việc chọn trường nên phowr tôi lãnh nhiệm vụ tìm hiểu thông tin về trường và các ngành nghề để tư vấn cho hắn. Một câu hỏi chợt nảy ra trong đầu phowr tôi: “Mình chọn nghề hay nghề chọn mình?”.


Đại học - Khoảng thời gian quan trọng

Trước khi vào đại học, phowr tôi nghe nhiều người nói về trường đại học - bước đệm để bước vào đời. Sự thật thì phowr tôi nửa tin nửa ngờ vì “ở trong chăn mới biết được rận”. Nói chính xác ra, khoảng thời gian học đại học chỉ giúp ta trang bị những kiến thức nền tảng, những kiến thức cơ bản nhất cho mỗi ngành nghề mà bạn tham gia sau này. Kể cả các môn chuyên ngành, ngay cả khi bạn đạt điểm A hay học vô cùng chăm chỉ thì qua thời gian những kiến thức này sẽ rơi rụng dần nếu bạn không phải động vào chúng hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần. Tuy nhiên điều này không có nghĩa kiến thức sẽ mất đi vĩnh viễn. Đơn giản là khi bạn cần đến nó, bạn sẽ biết tìm nó ở đâu. Chính vì trường đại học chỉ cung cấp “bước đệm” nên việc bật lên hay không phụ thuộc vào chính bạn.

Tư duy “nước chảy bèo trôi”

Rất nhiều bạn được hỏi đã trả lời “bố mẹ bảo cứ học ở trường tốt đã, làm gì tính sau”. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh xã hội, có 60% sinh viên ra trường làm trái ngành trái nghề. Phowr tôi không đánh đồng trái ngành trái nghề với thất bại. Tuy nhiên xét trên khía cạnh nào đó, đây là sự lãng phí xã hội không cần thiết. Bao nhiêu tiền của công sức ăn học được đầu tư cho một ngành và bạn lại phải làm việc trong một ngành khác. Có nhiều nguyên nhân nhưng phowr tôi nghĩ trong số đó là việc định hướng nghề nghiệp không tốt. Điều này cộng với tâm lý ỷ nại cứ cố xong cái bằng đại học rồi tính tiếp gây nên tình trạng mất cân bằng giữa đào tạo và nhu cầu lao động. Nhiều sinh viên ra trường không thể đáp ứng nhu cầu công việc. Họ thiếu và yếu nhiều thứ mà trường lớp không dạy. Trong khi những thứ trường lớp dạy thì lại không chạm tới mức làm được việc ngay và họ phải mất một thời gian “làm quen” với hòa nhập được công việc. Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, không nhà tuyển dụng nào cho bạn nhiều thời gian cả. Hoặc là bạn phải chuẩn bị từ sớm hoặc là bạn thuộc dạng siêu nhân có thể nắm bắt toàn bộ công việc trong thời gian ngắn. Phowr tôi chỉ quen biết “người thường” nên bài viết này chỉ dành cho “người thường”. Nếu siêu nhân nào vào đây đọc được thì xin lượng thứ.

Định hướng nghề nghiệp

Ở nước ngoài, công tác hướng nghiệp thường được thực hiện khá tốt. Ngay từ trên ghế phổ thông, học sinh đã được tiếp xúc thông tin khá đầy đủ về các công việc để mình chọn lựa sau này. Thậm chí một số nơi còn có gap years - một số năm trống sau khi tốt nghiệp trung học và trước khi học đại học. Trong thời gian này, học sinh tốt nghiệp tham gia vào các công việc để hiểu chính xác xem công việc đó như thế nào, có phù hợp với bản thân không. Từ đó lựa chọn ngành nghề cũng như trường đại học một cách đúng đắn. Trong điều kiện Việt Nam, gần như không tồn tại gap year thì việc cung cấp thông tin về nghề nghiệp một cách đầy đủ và chính xác là cứu cánh duy nhất. 

Tôi có thể làm mọi thứ nhưng không làm được cái gì tốt cả

Cách đây vài năm khi tôi thi vào đại học, tôi không có định hướng gì về tương lai, ngành nghề tôi theo đuổi do bố mẹ tôi chọn. Và tất nhiên sau vài năm tôi nhận ra mình không thực sự phù hợp với ngành nghề này. Lúc này đã quá muộn để tôi gạt bỏ mọi thứ để bắt đầu lại từ đầu. Tôi bắt đầu rẽ hướng chuyển hướng nghiên cứu sang một số ngành khác trong khi vẫn duy trì ngành nghề cũ. Điều này hoàn toàn không tốt vì một khi không tập trung hoàn toàn 100% sức lực vào con đường mà mình đã chọn thì kết quả thật là tồi tệ. Và một lần nữa phowr tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp từ sớm.

Định hướng nghề nghiệp khi học đại học

Như đã đề cập ở trên, nhiều sinh viên không biết chính xác sau này mình sẽ làm việc trong ngành gì. Hoặc giả đã biết mình sẽ làm việc trong ngành gì thì lại thiếu thông tin về công việc của mình. Phowr tôi có hỏi một sinh viên thì cậu này trả lời làm việc trong ngành truyền thông. Khi phowr tôi hỏi sâu hơn công việc cụ thể là gì và yêu cầu công việc ra sao thì cậu này bắt đầu lúng túng. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp và cũng cho thấy các bạn sinh viên nên tìm hiểu sâu hơn và chính xác hơn về “cái nghiệp” của bạn sau này để có những con đường cũng như đầu tư phù hợp hơn.

Mình chọn nghề hay nghề chọn mình?

Thay lời kết, phowr tôi lặp lại câu hỏi ở đầu bài viết này. Trước khi có được câu trả lời cho câu hỏi này, hi vọng các bạn đã chuẩn bị được ít nhiều hành trang kiến thức cũng như vốn sống để gây dựng “nghiệp” của mình. Mình chọn nghề hay nghề chọn mình không quan trọng bằng bạn đã sẵn sàng để làm chủ được nghề nghiệp đó chưa. Nếu bạn đã sẵn sàng thì câu hỏi trên không còn quá quan trọng nữa phải không.

P/S: Chúc mừng năm mới tất cả các bạn. Hẹn gặp lại trong những bài viết lần sau.

Nhân Viên Mới st từ bạn Phowr (Phở ^^) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét