Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

28 CÂU HỎI PHỎNG VẤN KẾ TOÁN THƯỜNG GẶP

Đây không phải là tất cả những câu hỏi bạn sẽ gặp phải trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, tùy theo từng vị trí, chức danh và kinh nghiệm mà các bạn sẽ gặp một trong những câu hỏi dưới đây:

phỏng vấn tuyển dụng kế toán
1. Bạn hãy cho biết tại sao Bạn theo nghề kế toán?
2. Bạn hiểu mục đích của công việc của kế toán là thế nào?
3. Bạn có những tố chất nào phù hợp với công việc kế toán?
4. Nghề kế toán có những điểm nào làm cho Bạn thích và Bạn không hài lòng?
5. Bạn sẽ theo nghiệp kế toán bao lâu?
6. Nghề kế toán có điều gì giúp Bạn trong cuộc sống không?
7. Bạn là Sinh viên kế toán mới ra trường, Bạn làm thế nào để thuyết phục Chúng tôi là Bạn ó thể làm tốt công việc đó?
8. Bạn là kế toán mới ra trường, lý thuyết đối với Bạn vẫn còn nóng hổi, vậy Bạn hãy nói về lý thuyết cho công việc bạn dự tuyển?
9. Bạn hãy cho chúng tôi biết tầm quan trọng của công tác kế toán?
10. Bạn hãy cho chúng tôi biết vai trò và chức năng của công tác kế toán?
11. Bạn dụ tuyển vào vị trí kế toán trưởng vậy Bạn có biết soạn thảo quy chế kế toán không ? Mục đich của quy chế này là gì ? Có cần thiết để có quy chế không?
12. Những tố chất nào mà người kế toán cần phải có? Để làm gì?
13. Bạn đã có kinh nghiệm về kế toán, vậy những kinh nghiệm đó thuộc phần hành nào?
14. Nếu số liệu do Bạn làm sai có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh lời, lỗ của Công ty thì Bạn chịu trách nhiệm như thế nào?
15. Bạn là kế toán kho, vậy nếu số liệu của Bạn không trùng khớp với số liệu của thủ kho thì bạn sẽ xử lý như thế nào?
16. Bạn là kế toán tiền mặt, vậy nếu số liệu của Bạn không trùng khớp với số liệu của thủ quỹ thì bạn sẽ xử lý như thế nào?
17. Bạn là Kế toán thuế, nếu Bạn làm sai kéo theo việc Công ty phải đóng thuế GTGT của tháng đó thì bạn sẽ xử lý thế nào?
18. Bạn dự tuyển vào vị trí kế toán bán hàng, vậy theo nghiệp vụ kế toán Bạn biết làm những gì ? bạn cần loại chứng từ, hóa đơn nào, các tài khoản nào Bạn cần phải sử dụng thường xuyên (Tương tự như câu hỏi này dành cho kế toán kho, kế toán thuế, kế toán thu, chi, kế toán công nợ ..v . .v. .)
19. Bạn có quyền hạn gì trong công viêc của mình?
20. Bạn có trách nhiệm gì trong công việc của mình? Trách nhiệm đó thể hiện như thế nào?
21. Điều gì quan trọng nhất khi làm công việc kế toán?
22. Điều gì quan trọng nhất đối với người làm kế toán?
23. Khả nằng ứng dụng vi tính vào công việc kế toán của Bạn được bao nhiêu %? (Hoặc ở mức độ nào ?) bạn hãy kể ra?
24. Bạn có tự tin vào năng lực ứng dụng vi tính của mình không, nếu chúng tôi kiểm tra năng lực đó bằng thực tế ngay bây giờ?
25. Hiện nay việc ứng dụng phần mếm kế toán vào trong công việc đã được rộng rãi, theo Bạn, Bạn thích làm bằng phần mêm hay làm trực tiếp trên excel, tại sao?
26. Bạn biết sử dụng phầm mềm Kế toán nào? Người ta cho rằng phần mềm kế toán là con dao hai lưỡi, bạn có thể giải thích và chứng minh điều đó không?
27. Bạn đã và đang làm kế toán tại Công ty cũ được thời gian khá dài vây tại sao bạn lại muốn tìm công việc khác?
28. Nếu bạn là Sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn đã đi làm chưa, bạn đã có kinh nghiệm làm Kế toán thực tế chưa?

Mọi thông tin trong bản sơ yếu lí lịch chỉ là những thông tin cơ bản nhất để nhà tuyển dụng có thể nắm bắt sơ qua về bạn. Vì vậy, để nổi bật trong hàng trăm ứng cử viên khác, bạn hãy chứng minh mình qua buổi phỏng vấn bằng sự hiểu biết và những kỹ năng cần thiết như:

1. Kỹ năng tổ chức
2. Kỹ năng ra quyết định
3. Kỹ năng giao tiếp
4. Kỹ năng làm việc theo nhóm
5. Kỹ năng giải quyết nhiều loại công việc

Chúc các bạn có câu trả lời tốt nhất và hay nhất để sớm nhận được công việc theo mong muốn!

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Lời khuyên của cha (dành cho ngày Gia đình Việt Nam)

Hãy lắng nghe lời khuyên cảm động, chân thành từ đáy lòng một người cha dành tặng con mình với hy vọng con mình vượt qua mọi chông gai và hướng tới một cuộc sống thực sự có ý nghĩa.

Có ai khen con đẹp, con hãy cảm ơn và quên đi lời khuyên ấy.

Có ai bảo con ngoan, hãy cảm ơn và nhớ ngoan hiền hơn nữa.

Với người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang, con hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy.
Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ, con hãy đến bên và kề vai gánh giúp .

Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng họ hai đồng. Lần thứ hai con hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu. Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.

Con hãy biết khen. Nhưng đừng vung vãi lời khen như những cậu ấm cô chiêu vung tiền ra cửa sổ. Lời chê bai con hãy chỉ giữ riêng mình.

Nụ cười cho người, con hãy học cách hào phóng của mặt trời khi tỏa nắng ấm.

Nỗi đau, con hãy nén vào trong. Nỗi buồn, hãy biết chia cho người đồng cảm.

Đừng khóc than - quỵ lụy - van nài, khi con biết ngày mai rồi sẽ đến - có bầu trời, gió lộng thênh thang .
Con hãy đưa tay khi thấy người vấp ngã.

Cần lánh xa kẻ thích quan quyền.

Bạn là người biết đau hơn nỗi đau mà con đang có. Thù là người quặn đau với niềm vui đang có ở trong con.
Chọn bạn sai, cả đời trả giá. Bạn hóa thù, tai họa một đời.

Con hãy cho và quên ngay.

Đừng bao giờ mượn dù chỉ một que tăm, sợi chỉ.

Đừng sợ bóng đêm. Đêm cũng là ngày của những người thiếu đi đôi mắt.

Đừng vui quá, sẽ đến lúc buồn. Đừng quá buồn, sẽ có lúc vui.

Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi dừng lại! Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa. Chẳng sao!

Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp. Nhìn xuống thấp, để biết mình chưa cao.

Con hãy nghĩ về tương lai, nhưng đừng quên quá khứ. Hy vọng vào ngày mai, nhưng đừng buông xuôi hôm nay.

May rủi là chuyện cuộc đời. Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may.

Hãy nói thật ít để làm được nhiều những điều có nghĩa của trái tim. Nếu cần, con hãy đi thật xa, để mang về những hạt giống mới, rồi dâng tặng cho đời, dù chẳng được trả công.

Những điều cha viết cho con được lấy từ trái tim chân thật, từ những tháng năm lao khổ cuộc đời, từ bao đêm chơi vơi giữa sóng cồn, từ bao ngày vất vả long đong.

Cha viết cho con từ chính cuộc đời cha. Những bài học một đời cay đắng.

Cha gửi cho con chút nắng. Hãy giữ giữa lòng con, để khi con bước vào cuộc hành trình đầy gai và cạm bẫy con sẽ thấy bớt đau và đỡ phải tủi hờn. Đừng hơn thua làm gì với cuộc đời, con ạ!

Hãy để chị, để anh giành lấy phần họ muốn. Con hãy chậm bước dù là người đến muộn. Dù phần con chẳng ai nhớ để dành .

Hãy vui lên trước điều nhân nghĩa. Hãy buồn với chuyện bất nhân. Và hãy tin vào điều có thật: Con người - sống để yêu thương.

Tạo ấn tượng tốt ngay từ lần đầu tiên

Dù là bạn đi bán hàng, đi dự 1 buổi phỏng vấn tuyển dụng, hay đi ra mắt mẹ chồng... ấn tượng đầu tiên là hết sức quan trọng. Trong giao tiếp, thường đối phương chỉ cần mất vài giây để đánh giá bạn trong lần gặp đầu tiên. Với thời gian ngắn như vậy, ngoại hình, ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, thái độ và cách ăn mặc của bạn chính là những yếu tố tác động chủ yếu.

Mỗi lần gặp gỡ là một lần bạn được đánh giá. Và đáng tiếc là bạn không bao giờ có cơ hội lần thứ hai để gây ấn tượng đầu tiên. Do đó, hãy cố gắng tạo ấn tượng tốt ngay lần đầu tiên để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp về sau.

Gây ấn tượng tốt đẹp trong lần gặp đầu tiên quả thật rất quan trọng đối với bất kì ai, dù đang thiết lập một mối quan hệ xã giao hay đi phỏng vấn. Hãy tham khảo vài cách dưới đây để nâng cao kỹ năng của mình nhé.

Đúng giờ

Nên nhớ, chẳng ai hài lòng khi bạn trễ hẹn dù với bất kì “lý do lý trấu” gì. Hãy thu xếp đến sớm vài phút và nhớ trừ hao thời gian cho chuyện kẹt xe hay lạc đường nhé. Thà tới sớm còn hơn trễ hẹn, nhớ nhé!.

Tự tin và thoải mái

Nếu bạn quá căng thẳng, tự nhiên không khí của buổi gặp gỡ sẽ bị căng thẳng theo và điều đó thì chẳng tốt chút nào. Khi bạn tự tin và bình tĩnh, người đối diện cũng sẽ thấy thoải mái và bắt đầu cuộc trò chuyện một cách dễ dàng.

Thể hiện một cách thích hợp

Tất nhiên ngoại hình là một trong những tác nhân rất quan trọng. Ai đó mới gặp bạn lần đầu chẳng có cơ sở gì để đánh giá bạn ngoài ngoại hình cả.

Nhưng cũng không có nghĩa bạn phải ăn mặc giống như người mẫu để “tấn công” thị giác của đối phương (trừ khi bạn đang được mời phỏng vấn với nhà tuyển dụng người mẫu).

Chính xác là cách thể hiện bản thân mới chính là chìa khóa mở cửa thành công cho bạn. Người ta thường nói “trăm nghe không bằng mắt thấy”, và hiển nhiên, cách bạn thể hiện ra bên ngoài sẽ cho người ta “thấy” nhiều về bạn. Liệu bạn đã chuẩn bị xuất hiện một cách thích hợp?.

Bắt đầu trước với cách ăn mặc của bạn nhé! Làm sao để chọn quần áo phù hợp đây. Hẹn gặp đối tác thì mặc gì cho trang trọng? Com-lê, sơ mi hay đồ bình thường? Đoán xem người bạn sắp gặp gỡ sẽ mặc gì – nếu họ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hoặc quảng cảo, thì một bộ com-lê là hoàn toàn sai sách.

Nếu bạn sắp gặp gỡ đối tác làm ăn hoặc tham dự một bữa tiệc, thì thế nào là một trang phục thích hợp cũng tùy thuộc vào từng đất nước và văn hóa. Do đó, bạn phải nhớ tìm hiểu về phong tục và tập quán ở đó trước nhé.

Nên chải chuốt bản thân ra sao? Tốt nhất là bạn nên xuất hiện với vẻ ngoài sạch sẽ và gọn gàng trong các buổi gặp gỡ đối tác và sinh hoạt xã hội. Tóc tai thẳng thớm. Quần áo sạch sẽ. Trang điểm kỹ càng. Nhớ rằng trang phục của bạn phải phù hợp với bạn và giúp bạn hòa nhập tốt nhé!

Ăn mặc và chải chuốt sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong lần đầu tiên đồng thời giúp bạn thấy mình hòa hợp, tự tin và bình tĩnh. Đó sẽ là yếu tố thúc đẩy khiến bạn tạo nên ấn tượng tốt đẹp đầu tiên.

Cá tính

Tin vui là giữa cá tính và việc chuẩn bị tốt cho lần gặp mặt đầu tiên không có gì liên quan và mâu thuẫn với nhau. Chỉ là, bạn nên điều chỉnh một vài thứ cho thích hợp với hoàn cảnh. Nếu bạn đang có một cuộc hẹn làm ăn quan trọng, mặc một bộ com lê là hoàn toàn thích hợp. Còn nếu bạn đang tham dự một sự kiện xã hội, mặc một bộ dạ tiệc sẽ hoàn toàn thích đáng. Và rồi hãy thể hiện mình một cách thích hợp với hoàn cảnh đó.

Mỉm cười

“Hãy mỉm cười và thế giới sẽ cười lại với bạn”. Vậy tại sao phải tiết kiệm nụ cười trong lần gặp đầu tiên. Hãy tạo ra một không khí thân thiện cho cả hai bằng một nụ cười tự tin và ấm áp. Nhưng đừng quá lạm dụng bởi có thể bạn sẽ bị nhầm tưởng thành người giả tạo hoặc hơi có “vấn đề” đấy.

Cởi mơi và tự tin

Có thể nói trong việc tạo ấn tượng đầu tiên, ngôn ngữ cơ thể cũng như vẻ ngoài chính là yếu tố hiệu quả hơn cả.

Hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tôn lên vẻ tự tin của bạn. Đứng thẳng, mỉm cười, mắt nhìn thẳng và bắt tay thật chặt. Tất cả những điều đó sẽ giúp bạn tạo ra tự tin và giúp tạo ra không khí thoải mái giữa hai người.

Hầu như mọi người đều lo lắng khi gặp gỡ ai đó lần đầu tiên, dẫn đến căng thẳng và ra mồ hôi tay. Do đó bạn cần để ý tới thái độ lo lắng của mình và điều chỉnh một chút. Kiềm chế một chút sẽ khiến bạn tự tin hơn và khiến đối phương cảm thấy dễ chịu.

Trò chuyện

Đối thoại là một quá trình dựa trên việc cho và nhận. Có thể bạn nên chuẩn bị sẵn một vài câu hỏi cho người đối diện. Hoặc dành vài phút để tìm hiểu về người đó trước buổi gặp mặt. Ví dụ, anh ta có chơi cầu lông không? Có phải là người làm việc trong các tổ chức từ thiện của địa phương không?

Bạn có tìm ra điểm chung gì giữa mình và người đó không? Nếu có thì hãy bắt đầu từ những điểm chung đó nhé!

Tích cực

Thái độ của bạn như thế nào, hành động của bạn sẽ như thế đó. Hãy thể hiện một thái độ tích cực bằng khuôn mặt, dù rằng đang phê bình hoặc lo lắng. Cố gắng học hỏi từ cuộc gặp và đóng góp một cách tích cực, xây dựng một thái độ lạc quan và vui vẻ. Tất nhiên nhớ phải cười nhé!.

Cư xử nhã nhặn và chu đáo

Không cần nói cũng biết thái độ lịch thiệp, cư xử nhã nhặn, chu đáo và cởi mở là chìa khóa dẫn tới thành công của bạn. Thực tế là, thiếu một trong những yếu tố đó có thể hủy hoại đi cơ hội duy nhất bạn có được. Nên nhớ phải tận dụng chứ!

Một thói quen khác nữa là “tắt điện thoại di động” Thật không phải chút nào nếu bạn gặp người đó lần đầu tiên và đang trả lời điện thoại một người khác. Nên nhớ đó mới chính là người cần bạn tập trung 100% chú ý nhé!.

Điểm Cốt Lõi:

Một lần nữa, hãy nhớ rằng bạn chỉ có vài phút để tạo ấn tượng đầu tiên và quan trọng nhất là không bao giờ có cơ hội để làm lại. Do đó hãy chuẩn bị thật kỹ mọi đường đi nước bước. Ngoài những chỉ dẫn mang tính lý thuyết này, bạn cần đầu tư thêm công sức để biến ấn tượng đầu tiên trở thành một cuộc gặp gỡ thật tuyệt vời.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Tản mạn về "Giá trị cuộc sống - Sức mạnh từ Tâm"

Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn giàu có, ai cũng mong muốn hạnh phúc, ai cũng mong muốn thành đạt.

Có rất nhiều người nói rằng “Tôi rất thành công”. Ok, bạn có thể thành công trong công việc, bạn có một mức lương cao, một vị trí và kinh nghiệm mà nhiều người nể phục. Nhưng, bạn có hạnh phúc??

Người ta có thể yêu thích vị trí, mức lương của bạn, bạn nói, có người nghe, nhưng nghe thôi, người ta có phục??  Bạn không hoàn hảo, bạn không phải thánh nhân, vừa lòng bạn, chắc gì đã vừa lòng người. Lúc đó, bạn lại nghĩ: “Sống cho mình thôi, chứ… sống sao cho phải” Ok, nhưng, bạn đang sống trong 1 xã hội, chứ không sống một mình.

Có lúc bạn tự hỏi bao nhiên năm qua bạn đã và đang đi tìm điều gì ?? ai sẽ trả lời cho bạn?? bạn bè? gia đình? chính bạn? hay tự bạn cũng không thể đưa ra câu trả lời??

Bạn chưa thành công, bạn đang sống tương đối vất vả. Cũng có giây phút nào đó, bạn tự đặt câu hỏi chi chính mình: “Tôi là ai? Tôi cần gì? Tương lai của tôi nằm ở đâu?”


Bạn cần điều gì, chỉ có chính bạn mới tự có thể trả lời cho chính mình.


Bạn muốn thành công, bạn muốn hạnh phúc, nhưng làm thế nào? chỉ có chính bạn mới trả lời được cho chính mình.

Cái bạn cần, đó là, nhìn lại chính mình.

Nhưng, làm thế nào để chính mình đưa ra câu trả lời cho chính mình??

Nếu mình không tự cứu mình thì không ai có thể cứu được mình

… khi bạn cảm thấy cần có câu trả lời, hãy tìm đến những ngươi có thể hỗ trợ bạn, giúp bạn, trải nghiệm và nhận ra.

Giá trị cuộc sống nghe có vẻ xa vời và nặng tính lý thuyết, theo tôi, đi tìm giá trị cuộc sống chính là đi tìm giá trị chính bản thân bạn mà thôi.

Sức mạnh từ tâm ư, nghe có vẻ khó hiểu, nhưng, nó là cái gì chắc mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau.
Sống là trải nghiệm.

Bạn biết đi xe đạp là kết quả của trải nghiệm.
Bạn biết yêu thương gia đình, yêu thương người khác cũng là kết quả của trải nghiệm.
Bạn có kinh nghiệm bán hàng, kinh nghiệm giao tiếp cũng là kết quả của trải nghiệm.
…vậy, một chương trình trải nghiệm để tìm ra chính mình kết quả sẽ là gì??

tôi muốn ..
TôiGiá trị cuộc sống – Sức mạnh từ Tâm 
“Tùy Duyên thuyết Pháp độ nhân tâm” - My Đại Ka

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

MỘT BUỔI PHỎNG VẤN TUYỂN KẾ TOÁN VIÊN

Các bạn đã bao giờ đi thi tuyển cho một công việc nào đó chưa? Chắc rằng rất đông các bạn sẽ trả lời là “đã từng”. Bởi vì các bạn là những sinh viên rất năng động và hiện nay có quá nhiều công việc past-time dành cho những người còn đang đi học. Tuy nhiên, đó chỉ là công việc làm thêm và đối với các bạn thì nó chưa quan trọng bằng việc là một sinh viên trên giảng đường đại học. Nhưng nếu bạn đã ra trường thì điều này hoàn toàn khác.

Áp lực phải có một công việc khiến các bạn cảm thấy có đôi chút gánh nặng. Vừa muốn kiếm tiền để nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho bố mẹ, vừa muốn khẳng định mình, các bạn sẽ tìm việc bằng tất cả những nguồn thông tin nào mình có. Trừ một số ít bạn đã được gia đình chuẩn bị sẵn một công việc hoàn hảo còn lại đa số những sinh viên mới ra trường đều phải lang thang đi tìm việc với một chồng hồ sơ xin việc được rải khắp nơi. Có những bạn thì thành công ngay từ công ty đầu tiên nhưng có bạn đi tới mười công ty cũng vẫn bị từ chối? Năng lực là một phần quan trọng trong việc thành bại của các bạn. Tuy nhiên, một phần không nhỏ đó là “kinh nghiệm xin việc”.

“Kinh nghiệm xin việc” là gì? Đó chính là những kỹ năng để các bạn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Mỗi nhà tuyển dụng sẽ có những đặc thù riêng nhưng họ cũng có những đặc tính tâm lý chung. Ở đây, tôi xin kể cho các bạn một câu chuyện về một buổi phỏng vấn tuyển dụng kế toán viên mà tôi có dịp được tham gia.

Thông thường, vị trí kế toán sẽ phải có ít nhất 2 vòng tuyển (trừ vòng tuyển hồ sơ). Sau khi loại bỏ những hồ sơ không theo tiêu chí đề ra của công ty (ví dụ: bằng tốt nghiệp trung cấp, yêu cầu mức lương quá lớn…) thì công ty sẽ gọi điện mời các ứng viên tới tham gia vòng tuyển đầu tiên. Đó là vòng tuyển nghiệp vụ. Kế toán trưởng sẽ đưa ra một vài nghiệp vụ mà công ty thường xuyên phát sinh sau đó yêu cầu các ứng viên định khoản hoặc giải quyết tình huống. Vòng này không phải quá khó, mục đích chính là kiểm tra khả năng nghiệp vụ của các ứng viên. Ở vòng này, không phải nhất thiết có kinh nghiệm mới có thể thực hiện được, chỉ cần các bạn nắm chắc kiến thức đã được học. Mỗi một công ty có một cách làm khác nhau nên đôi khi các bạn có kinh nghiệm cũng chưa chắc có hướng giải quyết theo đúng cách mà công ty đó vẫn thường làm. Sau khi xem xét, công ty chọn ra 5 ứng viên có bài làm tốt nhất để vào vòng phỏng vấn.

Người đầu tiên tôi gặp là một cô bé khá xinh xắn, bước vào chào và cười. Chúng tôi cũng cảm thấy dễ chịu. Câu đầu tiên bao giờ cũng mời ứng viên giới thiệu về mình. Cô bé nói là mình cũng mới tốt nghiệp, đã đi làm cho một công ty và hiện nay vừa đỗ cao học về kế toán. Chúng tôi hỏi: “ Em đã làm cho công ty kia được bao nhiêu lâu? Tại sao lại nghỉ việc và hiện nay em đi học thì làm việc thế nào”. Cô bé đó trả lời: “Em làm được 2 tháng” (cười), hiện nay em đi học vào buổi tối nên ban ngày có thể đi làm được. Tiếp theo, chúng tôi đưa ra một sổ kế toán tiền mặt, hỏi em có thấy gì bất hợp lý không? Em nhìn và cười. Từ khi gặp em tới giờ, chúng tôi chỉ thấy em cười và cười. Sau một hồi cười em bảo cũng không thấy gì bất hợp lý. Sau đó, chúng tôi hỏi tiếp về nghiệp vụ lại thấy em cười. Thế là chúng tôi cũng đành cười và cảm ơn, mời em ra về.

Người thứ hai thì ngược lại với cô bé đầu tiên, bước vào phòng không một lời chào hỏi, không cười, không căng thẳng. Một vẻ gì đó hơi bất cần. Chúng tôi mời em ngồi xuống. Em ngồi theo cái cách (có lẽ) không phải là của một người con gái. Em nói em có 5 năm kinh nghiệm trong nghề kế toán. Chúng tôi hỏi câu gì, em trả lời câu đó, ngắn gọn tới mức cụt lủn. Đôi lúc trong câu nói không có chủ ngữ. Được một vài phút, không biết cảm giác của em thế nào nên bắt đầu gác chân lên chân kia. Chúng tôi không hiểu một người như vậy có thể thích hợp với công việc kế toán cần người vừa kiên trì, nhẫn nại, vừa phải trung thực, tận tụy không. Không ai bảo ai, chúng tôi đều nói không còn câu hỏi gì nữa dành cho em và nhanh chóng mời em ra về.

Người thứ ba là một cô gái khá bình thường, không một chút ấn tượng. Cô ấy cũng đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm nhưng trong một lĩnh vực hoàn toàn khác với lĩnh vực mà chúng tôi hoạt động. Khi hỏi tới những tình huống cần phải giải quyết ở công ty, cô ấy gần như cảm thấy khá xa lạ. Điều này cho chúng tôi cảm giác không khác gì một người mới ra trường. Những kinh nghiệm mà cô ấy có chẳng giúp ích gì cho cô ấy ít nhất tại thời điểm này.

Người thứ tư là người mang lại cho chúng tôi cảm giác phù hợp nhất trong những người đã từng gặp. Cô ấy đã có kinh nghiệm 4 năm trong cùng lĩnh vực chúng tôi hoạt động. Cô ấy đã làm kế toán viên cho một công ty khá nổi tiếng. Hầu hết những câu hỏi của chúng tôi cô ấy đều trả lời rõ ràng và hợp lý. Cô ấy tự tin và hết sức thoải mái. Tuy nhiên, câu hỏi của chúng tôi là :”tại sao em lại chuyển công ty” thì cô ấy trả lời “vì em muốn có một mức lương cao hơn” Cô ấy cần một mức lương là 5 triệu đồng trong khi chúng tôi chỉ dự định trả lương cho kế toán viên là 2 triệu đồng. Điều này khiến cho chúng tôi phải suy nghĩ khá nhiều.

Người cuối cùng chúng tôi gặp là một người khá điềm đạm. Kinh nghiệm làm việc không nhiều. Cô ấy là người có số điểm thấp nhất trong vòng thi nghiệp vụ. Chúng tôi có hỏi ngay cô ấy “Em có biết là em có số điểm thấp nhất không”. Cô ấy trả lời “Em cũng không biết điều đó”. Chúng tôi lại hỏi “Em có biết em bị mất điểm phần nào không?” Cô ấy nói: “Em nghĩ đó là phần về tài sản cố định. Thật ra phần này em không chắc lắm, thêm vào đó, thường kế toán trưởng làm phần này nên thật lòng là một kế toán viên, em cũng không vững lắm”. Câu trả lời không ngập ngừng khiến chúng tôi khá ấn tượng vì em biết rất rõ về mình và cũng biết rất rõ về yêu cầu của đề thi. Bản thân trong công ty tôi thì phần về tài sản cố định đúng là công việc dành cho kế toán trưởng. Càng nói chuyện, em càng tỏ ra một người có tính cách phù hợp với nghề kế toán như cẩn thận, kiên trì, rõ ràng và trung thực. Khi hỏi đến mức lương, em nói đề nghị mức lương 2,5 triệu. Chúng tôi có hỏi em nếu chúng tôi mời em vào làm cho công ty với mức lương thấp hơn thì em có chấp nhận không? Em trả lời là “không, vì đây là mức lương mới đủ cho cuộc sống của em và cũng là mức lương chung trên thị trường lao động”.

Sau buổi phỏng vấn tuyển dụng. Chúng tôi có họp và quyết định lựa chọn. Hầu hết mọi người đều lựa chọn người cuối cùng. Vậy các bạn thấy đấy, không hoàn toàn phải có kinh nghiệm nhiều, không hoàn toàn tự tin nhiều hay không hoàn toàn có bằng cấp cao là có thể được lựa chọn. Việc lựa chọn ứng viên còn bởi rất nhiều yếu tố, đó là:

- Kiến thức thực sự của bạn đến đâu, có đáp ứng được công việc hay không (điều này không phụ thuộc vào việc bạn mới ra trường hay đã đi làm lâu)

- Sự tự tin của bạn có phù hợp hay không (nếu không sẽ trở thành rất phản cảm)
- Bằng cấp của bạn chỉ cần đủ để đáp ứng yêu cầu của công việc

- Thái độ của bạn đối với công việc thế nào (thường người tuyển dụng rất mong gặp những ứng viên có thái độ tích cực, yêu thích công việc và mong muốn được làm việc)

- Tính cách của bạn có phù hợp với công việc hay không

- Bạn có hiểu biết rõ về mình hay không (Nhiều công ty họ còn cho bạn tự nói về điểm mạnh, điểm yếu của mình, nếu bạn còn chẳng biết mình là ai hay chẳng biết mình thế nào thì chắc chắn bạn chẳng làm được cái gì nên hồn cả).

Tôi hy vọng với câu chuyện nhỏ này, các bạn có thể có một chút “kinh nghiệm xin việc” và dễ dàng thành công trong công cuộc tìm kiếm công việc lý tưởng của mình.

 Đây là bài viết của một Giảng viên đã đi làm thực tế rất nhiều. Xin chia sẻ với các bạn! 

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

MUỐN THU PHỤC LÒNG NGƯỜI, PHẢI CÓ TÀI DIỄN THUYẾT.

Denise cuối cùng cũng đã đạt được mục tiêu của mình là trở thành giám đốc điều hành tại công ty của mình. Nhưng, cũng giống như bất kỳ một người nào khác, khi chuyển sang cương vị lãnh đạo, bà đã gặp một số khó khăn.

Nếu một nhân viên bình thường, hàng ngày chỉ cần tập trung vào những công việc được giao là đủ, thì nay trong vai trò của một CEO, bà phải thường xuyên xuất hiện trước đám đông và trở thành trung tâm thu hút sự chú ý và quan tâm của nhiều người. Trong suốt tuần lễ đầu tiên ở vị trí mới này, Denise đã hạn chế tiếp xúc và né tránh các bài diễn thuyết.

Nhưng, cũng đến lúc bà không thể tránh được nữa: đó là thời điểm bắt buộc bà phải trình bày quan điểm phát triển công ty trong vòng năm năm tới. Có nghĩa bà sẽ phải có một bài diễn thuyết, sử dụng chương trình PowerPoint để minh họa cho những ý tưởng của mình trước toàn thể ban lãnh đạo công ty. Bà đã bị rơi vào một trạng thái giống nhiều người trong những tình huống tương tự. Đó là sự lo ngại.

Song dù có lo ngại đến đâu chăng nữa, thì buổi diễn thuyết cũng ngày một đến gần và khủng hoảng chỉ làm lãng phí thời gian. Denise quyết định học cách diễn thuyết hiệu quả. Nhanh chóng tập hợp 20 slide để trình chiếu, chuẩn bị thêm một số vấn đề quan trọng và thử dự đoán trước những câu hỏi có thể sẽ gặp phải và tìm câu trả lời cho chúng. Cuối cùng thì Denise đã vượt qua nỗi lo ngại của chính bản thân mình. Bà tự tin trình bày một bài diễn thuyết thành công và khá ấn tượng. Sau sự kiện này, bà đã rút ra được một bài học vô giá: có thể bạn chưa phải là người có khả năng diễn thuyết hoàn hảo nhất, nhưng để thành công khi trình bày hay phát biểu trước công chúng, dứt khoát bạn phải chuẩn bị kỹ.

Để đảm bảo không rơi vào thế bị động vì thiếu sự chuẩn bị trước khi đứng trên bục diễn thuyết, bạn nên tránh tám lỗi thông thường sau đây:

Lỗi thứ nhất: Đánh giá thấp tầm quan trọng của khả năng nói trước đám đông

Nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo trong công ty, đừng bao giờ đánh giá thấp sự cần thiết của khả năng nói trước đám đông. Khả năng này sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để lãnh đạo xem xét khi có ý định cất nhắc bạn vào một vị trí quản l‎ý nào đó. Tuy nhiên, khả năng nói trước đám đông không phải tự nhiên mà có, cũng như không thể chờ khi biết lãnh đạo có ý định cất nhắc, thì bạn mới tìm cách học nó. Kỹ năng này phải được rèn luyện trong suốt một thời gian dài. Vì vậy, hãy nắm giữ và làm chủ nó trước khi bạn cần đến.

Lỗi thứ hai: Nói những lời “có cánh”

Eric, một vị phó chủ tịch được xem như là ứng viên sáng giá nhất cho chức danh CEO tại một công ty, được yêu cầu trình bày một bài diễn thuyết trước toàn thể ban lãnh đạo công ty. Gạt hết những dự án đang làm sang một bên, anh ta quyết định tập trung sức lực để thực hiện một bài diễn văn “có cánh”. Đó là một ý tưởng tồi. Bài diễn thuyết của Eric đã thể hiện sự trau chuốt và lịch sự. Tuy nhiên, người nghe cảm thấy nhạt nhẽo.

Điều đã khiến cho vấn đề của Eric trở nên tồi tệ hơn khi cũng trong ngày hôm đó, một ứng viên khác và là đồng nghiệp của Eric, Fred đã có một bài diễn thuyết rất thành công. Fred đã chuẩn bị rất cẩn thận ở nhà, tổ chức các ý tưởng của mình và tập diễn thuyết vào đêm trước đó. Đối lập với Eric, bài diễn thuyết này được trình bày ngắn gọn, súc tích, thể hiện là một người có đầu óc tổ chức, tinh tế và anh ta đã trả lời các câu hỏi chất vấn một cách dễ dàng.

Bạn hãy thử nghĩ xem, ban lãnh đạo công ty này sẽ quyết định lựa chọn ai vào vị trí CEO mới cho công ty?

Lỗi thứ ba: Toàn bộ nội dung được “giao phó” hoàn toàn cho người chuyên viết diễn thuyết

Nếu bạn có thể thuê một người chuyên viết diễn thuyết tốt, bạn nên làm điều đó. Một nhà diễn thuyết có thể sử dụng người nào đó để diễn đạt ý tưởng của mình. Họ sẽ vận dụng sự chuyên nghiệp để tìm cách diễn đạt một cách hay nhất những gì mà bạn phải nói. Nhưng đừng để này làm thay cho bạn tất cả.

Bởi vì suy cho cùng, bạn phải cảm thấy thoải mái và tự tin với những gì mà bạn sẽ nói. Bạn có thể nhận sự giúp đỡ từ họ, nhưng phải đảm bảo chắc chắn bài diễn thuyết đó là của mình.

Lỗi thứ tư: Không trả lời các câu hỏi

Hãy sẵn sàng và vui lòng trả lời một cách trung thực mọi câu hỏi được đưa ra sau khi trình bày bài diễn thuyết. Nếu như bạn cảm thấy khó có thể trả lời một câu hỏi nào đó, hãy nói thật điều đó. Nếu bỏ qua câu hỏi khó trả lời, người nghe sẽ cảm thấy bạn lừa dối họ. Điều này có thể sẽ làm hỏng danh tiếng của bạn. Còn nếu bạn trả lời là không biết, ít ra người nghe cũng sẽ cảm thấy hài lòng vì đó là một câu nói thật.

Lỗi thứ năm: Không chú ý đến sự có mặt của người nghe

Những người tham dự buổi diễn thuyết của bạn thường đã gác lại hàng núi công việc của họ để đến và nghe bạn nói. Vậy thì ít ra bạn cũng nên cám ơn sự có mặt của họ và biến thời gian mà họ dành cho bạn trở nên có ý nghĩa. Bất kể khi bạn nói trước ban lãnh đạo công ty hay trước toàn thể nhân viên, hoặc thậm chí chỉ là những ứng cử viên tìm việc làm, điều đầu tiên bạn nên nghĩ xem họ là ai, họ muốn biết điều gì, và điều này phải được thể hiện ngay từ những từ ngữ mở đầu trong bài diễn văn của bạn.

Nếu cảm thấy không chắc chắn lắm về những gì bạn định nói, có thể phỏng vấn một số người sẽ trở thành người nghe của bạn để có thêm một số thông tin cần thiết. Hãy luôn nhớ đến sự có mặt của người nghe cũng như những gì mà họ muốn nghe, đó chính là cơ hội để họ nhớ đến bạn.

Lỗi thứ sáu: Bối rối khi trả lời các câu hỏi

Sau một bài diễn thuyết, một CEO thường tập trung sự chú ý vào các câu hỏi và nhiều người trở nên quá căng thẳng. Thậm chí có người trở nên rất lóng ngóng, vụng về trước các câu hỏi khó. Điều này khiến họ mất tự tin và khiến cho người nghe cảm thấy dường như họ chưa chuẩn bị để sẵn sàng trả lời những câu hỏi đó. Nhiều người khi đó sẽ phân vân: “Chẳng nhẽ anh ta lại không biết điều này nên trả lời như thế nào hay sao?”. Vì vậy, nếu rơi vào trường hợp này, bạn hãy bình tĩnh và lần lượt trả lời từ các câu hỏi dễ trước, để dành thêm thời gian suy nghĩ cho các câu hỏi khó sau.

Lỗi thứ bảy: Không biết khi nào nên dừng bài diễn thuyết

Khi đứng trên bục diễn thuyết, chỉ những người có ít kinh nghiệm mới đứng lâu và nói nhiều. Để tránh bị rơi vào cái lỗi chết người này, bạn nên đứng để nói và nói một cách ngắn gọn. Không nên ngồi và đọc bài diễn văn của mình vì như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó bạn cũng nên nói to, rõ ràng. Bạn nên nhớ rằng, sẽ chẳng có ai chỉ trích rằng bài diễn thuyết của bạn quá ngắn gọn.

Lỗi thứ tám: Không biết tạo ra sự hài hước

Sự hài hước và hóm hỉnh sẽ là chiếc cầu nối giữa bạn và người nghe. Bạn không phải là David Letterman (MC nổi tiếng của truyền hình Mỹ) hay Diễn viên Joan River – những người luôn thể hiện sự hài hước khi nói và diễn. Nhưng bạn hãy thử có một chút hài hước. Hãy kể một câu chuyện ngắn gây cười, hoặc nhận xét một cách vô tư và thoải mái về một tình huống nào đó hay là nói về thời tiết chẳng hạn. Một chút hài hước sẽ khiến cho bầu không khí với người nghe trở nên ấm áp và gần gũi hơn.

Bất cứ ai cũng có thể mắc lỗi khi diễn thuyết trước đám đông. Vấn đề quan trọng là phải rút ra được bài học để tránh mắc phải trong lần diễn thuyết tiếp theo. Hãy nhớ đến tám lỗi thông thường mà nhiều người mắc phải trên đây và hãy cố tránh khi chuẩn bị, khi tập thử và khi đứng trên bục diễn thuyết.

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Các bước xây dựng hệ thống lương

Lựa chọn được một hệ thống lương thích hợp là vấn đề rất quan trong đối với bạn. Có 4 bước cho việc thiết lập một hệ thống lương, đó là:
1. Phân tích công việc

2. Đánh giá công việc: Bản chất của việc đánh giá công việc là đo lường giá trị và tầm quan trọng của mỗi loại hình công việc liên hệ với các công việc khác trong công ty nhằm mục đích xác định mức lương và mức độ chênh lệch về lương. Giá trị của công việc được xác định dựa vào cả điều kiện bên trong và bên ngoài. Đánh giá công việc quan tâm đến công việc, chứ không phải con người thực thi công viêc đó. Mục tiêu của đánh giá công việc bao gồm:
* Sắp xếp các vị trí vào các nhóm thích hợp
* Cân đối giữa các nhân viên mới, khuyến khích nhân viên
* Tạo sự linh hoạt hợp lý trong việc phù hợp với những thay đổi trong hệ thống chi trả
* Tạo lập một hệ thống kế toán và ngân sách cho công tác nhân sự
* Bảo đảm là việc trả lương giữa các hệ thống khác nhau không vuợt khỏi các mức quy định

Quá trình đánh giá công việc bao gồm:

* Lựa chọn công việc được xếp loại
* Cung cấp bản mô tả công việc
* Lựa chọn người đánh giá
* Sử dụng phương pháp xếp loại
* Đưa ra bản hướng dẫn áp dụng cho các mức xếp loại khác nếu không có tiêu chí riêng
* Xếp loại công việc (sử dụng một trong những phương thức khác nhau)
* Tổng hợp việc xếp loại

3. Xếp loại công việc: Xếp loại công việc là quá trình phân loại các nhóm công việc thành các loại lao động theo mức độ quan trọng của năng lực và các yêu cầu về kiến thức cơ bản của họ. Phân loại các nhóm công việc riêng rẽ mà yêu cầu kiến thức giống nhau được gọi là phân loại công việc.

4. Định giá cho công việc – thiết lập mức lương. Đây là quá trình xác định cho mỗi mức lương, đưa ra một sự khác biệt về tiền lương một cách hợp lý: khác biệt về các yêu cầu về khả năng, về kiến thức, khác biệt trong việc thực thi và độ tin cậy của các cá nhân. Để thực hiện định giá cho công việc, ban cần xem xét những nhân tố dưới đây:
* Cạnh tranh về lương
* Các yêu cầu về mặt pháp lý
* Chi phí cho cuộc sống
* Năng suất lao động
* Khả năng chi trả
* Các nhân tố phi kinh tế như là thâm niên công tác

Để thiết lập một hệ thống lương thích hợp, bạn cần:
* Chấp nhận một thực tế là sẽ có chi phí đi kèm
* Tránh được phần lớn các vấn đề tiềm ẩn với cách tiếp cận có hệ thống, vào thời điểm thích hợp
* Có sự tham gia của đội ngũ nhân viên hoặc đại diện từ phía họ càng nhiều càng tốt, thường là thông qua buổi trao đổi nhóm làm việc
* Xem xét lại những lý do dẫn đến những thay đổi và tìm lời khuyên từ bên trong và bên ngoài công ty . Nếu cần có thể tìm lời khuyên từ các chuyên gia
* Không loại bỏ hệ thống hiên tại – tổ chức các buổi thảo luận để giúp tổ chức duy trì những điểm tốt và thay đổi những gì chưa tốt
* Xác định hệ thống mới nào cần được thực hiện – nó có mối liên hệ với mục tiêu tổng thể của công ty như thế nào?
* Xem xét hệ thống mới nào là phù hợp nhất đối với tổ chức, bao hàm cả có và không có sự thay đổi
* Những thay đổi đối việc chi trả làm cho nhân viên lo lắng, vì vậy một hệ thống mới cần đơn giản và có được sự đồng thuận của đội ngũ nhân viên và đại diện của họ
* Chuẩn bị các bước cẩn thận bằng các chỉ dẫn tường tận cho đội ngũ nhân viên và bộ phận quản lý. Tìm ra bất ký thay đổi gì đối với sự chênh lệch về lương và tính tương đối.

Tóm lại, các bước chính để xây dụng một hệ thống thang bảng lương bao gồm:
Bước 1: Đọc mô tả công việc các chức danh
Bước 2: Xác định các tiêu chí chấm điểm công việc
Bước 3: Xác định thang điểm các tiêu chuẩn
Bước 4: Chấm điểm các công việc
Bước 5: Xác định số ngạch
Bước 6: Xác định số bậc
Bước 7: Hình thành thang bảng lương

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Chiến lược tuyển dụng (phần 3)

Nhân Viên Mới 'tung' loạt bài viết này lên không chỉ hướng đến đối tượng là các Nhân viên Nhân Sự mà còn mong muốn các bạn sinh viên mới ra trường có thêm kiến thức, kỹ năng và sự tỉnh táo khi đi xin việc, sao cho đạt kết quả tốt như mong muốn.

Một chiến lược tuyển dụng đúng đắn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tránh những vấn đề rắc rối với nhân viên trong tương lai. Trong đó, việc rút ngắn danh sách là một quy trình cần thiết, được thực hiện một cách có hệ thống trong việc chọn lọc các đơn dự tuyển mà công ty đã nhận được cũng như quyết định bạn muốn phỏng vấn những ứng viên nào.


Kiểm tra tinh thần

Trong phần IV của loạt bài viết về tuyển dụng, Julie Walsh tập trung vào phần kiểm tra tinh thần như là một cách để đánh giá các ứng viên.

Trong khi phỏng vấn là yếu tố chủ đạo của quá trình tuyển dụng thì việc kiểm tra này sẽ giúp cho quá trình tuyển dụng có hiệu quả hơn.

Kiểm tra tinh thần là gì và chúng được sử dụng như thế nào?

Bài kiểm tra tinh thần nhằm đánh giá đặc tính khác nhau của từng cá nhân như nhân cách và tinh thần. Chúng cho nhà quản lý biết thêm nhiều thông tin để tuyển dụng được nhân viên tốt nhất.

Kiểm tra nhân cách

Trong một công ty hay một tổ chức nhỏ, vấn đề hoà nhập của một nhân viên mới có ý nghĩa rất lớn. bài kiểm tra nhân cách có thể cho biết cá tính hoặc cách cư xử của từng cá nhân. Chúng có thể được dùng để biết được cá nhân đó sẽ làm việc trong một tổ chức hay hoàn cảnh cụ thể như thế nào, động lực của họ là gì và liệu sau này họ có cần đào tạo hay không?

Kiểm tra nhân cách đóng góp vào quá trình tuyển chọn cũng như quyết định có nên tuyển dụng hay không. Kết quả sẽ đặc biệt hữu ích nếu chúng được sử dụng trong quá trình phỏng vấn. Bất cứ điểm mạnh hay điểm yếu tiềm ẩn nào cũng có thể được thảo luận với ứng viên và họ sẽ có cơ hội để giải đáp mối quan tâm của bạn.

Người tiến hành kiểm tra dạng này có thể nhầm lẫn. Quan trọng bạn phải nhớ rằng không có câu trả lời đúng hoặc sai cho những bài kiểm tra nhân cách. Đơn giản là bạn phải quyết định phẩm chất nào bạn đang tìm kiếm ở ứng viên và xét đoán nó dựa trên những phát hiện từ cuộc kiểm tra nhân cách và phỏng vấn. Gạt bỏ một ứng viên chỉ dựa vào cuộc kiểm tra này là không công bằng.

Kiểm tra khả năng

Kiểm tra khả năng có thể là công cụ đặc biệt hữu dụng. Bạn có thể kiểm tra rất nhiều các kỹ năng như tư duy, lập luận, làm việc tập thể và quản lý.

Bạn cũng có thể dùng những kết quả này để lựa chọn ứng viên cho buổi phỏng vấn. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, tốt nhất bạn có thể kiểm tra và phỏng vấn danh sách rút gọn và so sánh khả năng của họ. Kiểm tra khả năng rất có ích vì bạn có thể lấy ứng viên làm chuẩn và tạo tính khách quan cho quá trình tuyển chọn.

Bắt đầu tiến hành

Nếu bạn muốn kiểm tra khả năng hay nhân cách, bạn phải lựa chọn một công ty hay một mẫu bảng câu hỏi để sử dụng. Có rất nhiều công ty cung cấp cả hai cách kiểm tra trên, nên lựa chọn công ty có danh tiếng.
Người quản lý cuộc kiểm tra khả năng cần phải được đào tạo. Bạn có thể chọn đào tạo một nhân viên trong công ty nếu xác định đây là phương pháp tuyển dụng cơ bản của công ty. Nếu không, công ty mà bạn thuê sẽ cung cấp hình thức kiểm tra cho bạn.

Sự bảo mật

Sự bảo mật là yếu tố quan trọng khi bạn kiểm tra khả năng và bảng câu hỏi về tính cách. Chỉ những người tham gia tuyển dụng mới được quyền biết những thông tin này. Những kết quả thu được từ ứng viên phải được lưu giữ trong hồ sơ cá nhân của họ. Đối với những ứng viên không được lựa chọn, bạn nên giữ kết quả này chỉ trong 3 tháng phòng trường hợp có yêu cầu phản hồi.

Đánh giá

Kiểm tra tinh thần không tránh khỏi những sai lầm. Vào cuối quá trình tuyển chọn bạn nên đánh giá sự thành công của quá trình. Cuộc kiểm tra có hiệu quả hay không? Chúng tác động như thế nào tới kết quả tuyển dụng? Bạn có biện pháp nào thay thế không, có lãng phí không?

Những điểm cần lưu ý:

-Cho ứng viên biết trước họ có cần tham gia kiểm tra nhân cách như một phần trong quá trình tuyển dụng hay không?
-Thải hồi ứng viên chỉ dựa vào kiểm tra nhân cách là không công bằng.
-Đảm bảo chọn cách kiểm tra chính xác.
-Đào tạo người có trách nhiệm kiểm tra.
-Kết quả kiểm tra của từng ứng viên phải được giữ bí mật.
-Chỉ được giữ kết quả của những ứng viên không được chọn trong 3 tháng, sau đó phải huỷ.
-Đánh giá cả quá trình để biết được phần nào đã làm tốt, phần nào có thể làm tốt hơn.

Chúc các bạn may mắn khi đi tìm một công việc mới.

Chiến lược tuyển dụng (phần 2)

Phần 2: Quá trình tuyển chọn

Trong phần 2 của cẩm nang hướng dẫn dành cho các nhà quản lý, Mike Grasa-nhân viên tư vấn của Kingston Smiths HR sẽ bàn về danh sách rút gọn ứng viên.

Rút ngắn danh sách là một quy trình có hệ thống của việc chọn lọc các đơn dự tuyển mà công ty đã nhận được cũng như quyết định bạn muốn phỏng vấn những ứng viên nào.

Việc lựa chọn này nên tiến hành dựa trên khả năng làm việc của ứng viên. So sánh kinh nghiệm, bằng cấp và năng lực của họ với những tiêu chuẩn mà bạn đã đưa ra qua bản mô tả công việc.

Bạn không cần phải gặp bất cứ ai đạt mức tiêu chuẩn tối thiểu. Hãy quyết định về số lượng cuộc phỏng vấn mà bạn muốn tiến hành để có thể lựa chọn phù hợp. Việc bám sát vào tiêu chuẩn mà bạn đã đưa ra là rất quan trọng, điều này giúp bạn tránh bị rối trí trước hàng đống hồ sơ. Ở bước này, càng chuyên nghiệp bạn càng tiết kiệm được thời gian.

Bất cứ ai không đạt được tiêu chuẩn bạn đặt ra đều có thể bị gạt ra ngoài. Nếu bạn thấy bạn vẫn còn quá nhiều hồ sơ, bạn cần phải xem xét kĩ hơn những vấn đề dưới đây:

-Ngữ pháp và chính tả-điểm này đặc biệt quan trọng khi vị trí tuyển dụng đòi hỏi soạn thảo thư từ và báo cáo chính xác, CV và thư xin việc là cách rất tốt để đánh giá điểm này.

-Kỹ năng-ví dụ như nhân viên y tế và an ninh phải bắt buộc được đào tạo chính quy trong lĩnh vực này.

-Khả năng chuyên môn-ứng viên phải đáp ứng chuyên môn ở mức độ nào?

-Khả năng phục vụ lâu dài-ứng viên có phải là người ưa nhảy việc hay không?

-Những lý do muốn được vào làm trong công ty bạn-hãy đọc kỹ những lý do mà họ đưa ra. Bạn có thể tìm kiếm được nhiều thông tin qua những việc mà họ đã làm, đồng thời biết được họ đã bỏ thời gian tìm hiểu công ty bạn nhiều hay ít.

Đối với những người không đủ tiêu chuẩn, đừng quên gửi thư phúc đáp để cho họ biết họ đã không được chọn lựa. Bạn không cần phải đưa ra lý do trong thư, nhưng có thể họ sẽ liên lạc với bạn để hỏi tại sao, chính vì thế, hãy chắc chắn rằng danh sách bạn rút ngắn phải công bằng để có thể giải thích thoả đáng. Nếu bạn nhờ một công ty tuyển dụng, bạn nên yêu cầu công ty này phải tiến hành các bước như trên.

Bước tiếp theo

Bây giờ bạn đã có danh sách rút ngắn để phỏng vấn, bạn cần quyết định cụ thể nên phòng vấn theo dạng nào. Có thể là phỏng vấn qua điện thoại, phỏng vấn trực tiếp…Bạn cũng cần xem xét có nên tiến hành kiểm tra trình độ hay không. Khi mời ứng viên tới phỏng vấn, hãy cho họ biết việc chọn lựa sẽ được tiến hành như thế nào.

Phần 3: Tiến hành phỏng vấn

Phỏng vấn là bài kiểm tra chung nhất trong quá trình tuyển dụng, đối với ứng viên cũng như người phỏng vấn, việc lên kế hoạch và chuẩn bị là chìa khoá dẫn tới thành công.

Một cuộc phỏng vấn không chỉ là cơ hội để bạn đánh giá ứng viên, đó còn là dịp để bạn biết được họ có thích bạn và công ty của bạn hay không. Tiến hành phỏng vấn cũng là cách để bạn giới thiệu công ty mình rộng rãi hơn và chi tiết hơn.

Dạng phỏng vấn

Bạn cần xem xét nên tiến hành dạng phỏng vấn nào. Nếu bạn đang tìm kiếm cho vị trí quản lý, có thể bạn cần tới một hội đồng phỏng vấn để bạn có thể đưa ra quyết định sau khi cân nhắc nhiều quan điểm khác nhau của cả hội đồng.

Nếu vị trí tuyển dụng là nhân viên thông thường, bạn có thể chỉ cần một người phỏng vấn, nếu nhiều hơn thì cần phải có sự thống nhất trong hội đồng phỏng vấn.

Phòng phỏng vấn

Chọn khu vực phỏng vấn càng độc lập càng tốt để không bị ngắt giữa chừng. Tắt điện thoại cá nhân và ngắt điện thoại bàn, treo biển “không làm phiền” ngoài cửa để tránh có khách đột xuất. Tất cả những công đoạn này thể hiện bạn là người tôn trọng ứng viên và đảm bảo điều kiện tốt nhất cho họ thể hiện, trừ phi bạn muốn dùng một vài tình huống đặc biệt nào đó để thử phản ứng của họ.

Phỏng vấn

Khi ứng viên tới hãy giúp họ bớt căng thẳng bằng cách hướng dẫn họ ngồi vào vị trí và lấy nước cho họ. Cố gắng đừng bắt họ chờ đợi một cách không cần thiết, bởi vì điều này có thể làm cho họ thấy căng thẳng và tạo ấn tượng xấu. Khi chào đón họ, hãy giới thiệu về mình và hỏi xem họ tìm đường tới công ty có dễ không.

Bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách giải thích bạn là ai (vị trí công việc) và nói ngắn gọn về công việc của bạn. Sau đó cho họ biết cách thức phỏng vấn và những điều cần trao đổi. Việc thông báo trước sẽ khiến cho ứng viên thấy thoải mái hơn do không phải cố đoán điều gì sẽ xảy ra. Bạn cũng có thể yêu cầu ứng viên đặt câu hỏi vào cuối buổi phỏng vấn nếu họ muốn.

Điều gì cần trao đổi?

Tất nhiên những điểm được chú ý đầu tiên là trình độ học vấn, quá trình làm việc, năng lực chuyên môn. Tất cả các câu hỏi cần phải liên quan tới công việc, tránh những câu mà bạn có thể không hỏi được ở các ứng viên khác. Đừng hỏi những câu khiến bạn có thể phân biệt trực tiếp hay gián tiếp như về tôn giáo, tín ngưỡng…Nên đưa ra những câu hỏi mở chứ không phải là câu hỏi trả lời “có” hay “không”. Câu hỏi phải cho bạn biết rõ về những điều bạn cần tìm hiểu ở ứng viên, nên hỏi đến cùng nếu bạn cần thông tin cụ thể hơn.

Điểm bắt đầu tốt nhất là hỏi ứng viên xem họ biết gì về công ty bạn và tại sao họ lại thích thú với công việc này.

Tuỳ thuộc vào bản chất công việc mà nên có bài kiểm tra thực hành hay không. Ví dụ, nếu bạn tuyển thư kí, hãy bố trí một máy tính để họ có thể soạn thảo một tài liệu mà bạn cần.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, bạn nên cho ứng viên biết kết quả càng sớm càng tốt, tốt nhất bạn nên gửi thư cho họ. Cố gắng phỏng vấn tất cả các ứng viên bạn đã chọn trong thời gian ngắn để người được phỏng vấn đầu tiên không phải chờ đợi lâu. Điều này cũng giúp bạn tạo được hình ảnh chuyên nghiệp cho công ty và tránh bị mất những ứng viên giỏi.

Chiến lược tuyển dụng (phần 01)

Một chiến lược tuyển dụng đúng đắn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tránh những vấn đề rắc rối với nhân viên trong tương lai. Trong phần một, Julie Walsh-Giám đốc công ty tư vấn nhân lực Kingston Smith’s sẽ đề cập đến việc lựa chọn các công ty tuyển dụng và quảng cáo.

Phần 1: cẩm nang hướng dẫn dành cho các nhà quản lý

Trước khi tuyển nhân viên, nhà quản lý cần xem xét tất cả các giải pháp để có thể có được một người mới. Ví dụ như tại sao lại không xem xét việc tăng giờ làm việc của những nhân viên hiện tại bằng một hợp đồng tạm thời hoặc trả tiền thêm giờ cho họ?

Tuyển dụng nội bộ

Nếu bạn quyết định tuyển dụng, hãy chắc chắn rằng những nhân viên hiện tại của bạn đều được biết về cơ hội này. Bạn sẵn sàng quan tâm tới khả năng, trình độ của họ để có những nhận xét chính xác liệu họ có phù hợp với vị trí mới này hay không? Bởi một nhân viên hoàn toàn mới luôn luôn là một ẩn số.

Tìm kiếm bên ngoài

Thuê một công ty chuyên tuyển dụng có thể rất đắt. Trong hầu hết các trường hợp, những công ty tuyển dụng này sẽ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và tất nhiên chi phí này sẽ được tính vào phí cho công ty bạn. Họ sẽ cung cấp cho bạn một danh sách ngắn các CV, hoặc nếu bạn chọn những công ty tuyển dụng uy tín, họ sẽ gặp gỡ các ứng viên trước khi quyết định danh sách gửi tới bạn.

Nhân viên của các công ty tuyển dụng được đánh giá là khá giống nhân viên bán hàng-hãy nhớ rằng vai trò của họ là bán hàng cho bạn. Bạn cần phải xác định rõ với họ những yêu cầu của mình và cần biết khi nào phải nói không. Luôn cho họ biết những thông tin phản hồi nếu như danh sách CV hoặc các ứng viên họ cung cấp cho bạn không phù hợp. Đừng do dự khi bạn cần tới hơn một công ty hay đàm phán để giảm giá.

Các công ty sẽ cung cấp trong điều khoản kinh doanh của họ một cơ chế bồi thường nếu người được tuyển không làm được việc. Ví dụ, nếu bạn tuyển một nhân viên và người này ra đi sau một tháng, công ty tuyển dụng sẽ trả lại cho bạn 50% phí hoặc tuyển một người khác thay thế cho bạn. Một lần nữa, bạn đừng do dự khi thương lượng, nhưng cần phải tiến hành trước khi phỏng vấn ứng viên.

Quảng cáo

Cách khác bạn có thể làm là đăng quảng cáo tuyển dụng. Hãy cung cấp những thông tin thật rõ ràng, cụ thể và cơ bản như: tên công ty, địa điểm, vị trí tuyển dụng, mức lương, quyền lợi và giờ làm việc. Đưa thông tin mô tả ngắn gọn về công ty và vị trí tuyển dụng. Thêm vào đó là yêu cầu về khả năng, kinh nghiệm và bằng cấp mà công ty bạn cần ở ứng viên.

Quảng cáo trên các phương tiện khác nhau đều có những cái hay và dở của nó. Các tờ báo phát hành khắp cả nước rõ ràng có nhiều bạn đọc hơn và chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều đơn dự tuyển. Tuy nhiên, mặc dù bạn đã nêu rất rõ yêu cầu thì vẫn có hàng trăm ứng viên không phù hợp gửi đơn tới bạn. Bạn sẽ không gặp phải tình trạng này nếu bạn quảng cáo trên các tạp chí thương mại hoặc chuyên ngành. Bạn cũng có thể quảng cáo qua mạng. Nếu công ty bạn có một website, đừng quên sử dụng nó. Ngoài ra còn có rất nhiều website khác bạn có thể dùng để đăng quảng cáo.

Bạn hãy nghĩ về mục tiêu, đối tượng bạn nhắm đến, họ thích tìm kiếm công việc ở đâu? Đúng lúc cũng rất quan trọng, ví dụ như chẳng có mấy ai tìm việc vào những dịp lễ lớn. Bỏ tiền của và công sức vào việc tuyển dụng sẽ giúp bạn tìm đúng người mình cần.

Cuối cùng, luôn luôn đánh giá quá trình-bạn đã học được gì qua các kì tuyển dụng khác nhau và điều gì bạn cần tránh để tuyển dụng tốt hơn? Điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong những lần tuyển dụng tiếp theo.