Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Cấu trúc cơ bản của 1 CV bao gồm những gì ?

Đối với nhà tuyển dụng, điều quan trọng là tuyển được người có khả năng phù hợp với công việc. Họ không cần một người bằng cấp đầy mình nhưng lại chẳng ăn nhập gì với công việc cả. Vì vậy, dù bạn có rất nhiều bằng cấp cũng đừng nghĩ rằng cứ liệt kê hết ra là đủ. Nên, trước hết, bạn cần phải tìm hiểu về nhà tuyển dụng, phải biết họ cần gì, họ muốn gì. Những thứ họ cần bạn có không, nếu có, hãy nêu bật chúng, tận dụng chúng tối đa để làm nhà tuyển dụng hài lòng.

 Một bức thư xin việc và CV (sơ yếu lý lịch) hoàn hảo, gây ấn tượng và thuyết phục, là 1 CV cung cấp đúng và đủ thông tin mà nhà tuyển dụng tìm kiếm. Đó là nguyên tắc đầu tiên mở màn cho chặng đường xin việc. 

Đừng quá phô trương bản thân nhưng phải biết chú trọng vào những điểm mạnh của mình, tránh để lãng phí chúng. 

Nếu bạn có Thư giới thiệu hay còn gọi là Thư tiến cử thì chắc chắn đây sẽ là một lợi thế của bạn so với các ứng viên khác. Có nhiều cách để bạn có được thư này. Thư này có thể được viết bởi người quản lý bạn trong công ty bạn vừa mới nghỉ việc. Thư tiến cử cũng có thể được viết bởi người cấp trên của của bạn trong công tác Đoàn Hội, hay chính là giáo viên bộ môn mà môn đó bạn học xuất sắc. Nhưng thường thì các bạn Sinh viên thì thiếu cái này. Do đó, hãy tập trung vào việc viết 1 CV thuyết phục.

Cấu trúc 1 CV bao gồm các nội dung sau: 

1. Personal details (Thông tin cá nhân)
Phần này giúp công ty có thể dễ dàng liên lạc với bạn.
  • Name (Tên): Họ viết trước, tên viết sau. Đối với những nước nói tiếng Anh, tên (first name) viết trước, họ (surname) viết sau. Người ta thường không viết toàn bộ last name bằng chữ in hoa.
  • Address (Địa chỉ): Bạn cần ghi địa chỉ nhà ở, nơi bạn học/ làm việc để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn.
  • Telephone number (số điện thoại): Bạn nên ghi cả mã nước – Ví dụ: Pháp: 33 để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng liên lạc với bạn. Cần ghi cả số điện thoại di động và địa chỉ e-mail nếu bạn có.
  • Dates (Ngày/tháng/năm): Bạn phải chú ý là có một vài nước dùng trật tự tháng/ngày/năm, trong khi các nước khác lại viết theo trật tự ngày/tháng/năm. Để tránh nhầm lẫn, hãy chú ý khi bạn ghi ngày tháng bằng chữ số.

Không nhất thiết phải điền tất cả thông tin cá nhân. Ở châu Âu ngày sinh là rất cần thiết vì thế mà CV của nó có cả mục này. Tuy nhiên, vẫn có một số công ty muốn biết bạn đã kết hôn chưa? Nếu bạn không phải là người châu Âu thì phải khai quốc tịch vì có thể một lúc nào đó bạn phải thông báo cho công ty biết bạn cần visa.

2. Education (Trình độ và bằng cấp)
Phần này trình bày quá trình học tập và các bẳng cấp mà bạn có. Cao học (Đại học), chuyên ngành, năm tốt nghiệp, các khóa ngắn hạn có liên quan. Thành tích nổi bật, cho kèm bằng khen (nếu có). 

Bạn không nhất thiết phải trình bày toàn bộ quá trình học tập của bản thân. Chỉ nên trình bày những gì hỗ trợ cho phần Objective như bằng cấp, tên trường, các khóa học tham gia, v.v

Ví dụ:
Đối với bằng cử nhân: Bachelor of Science, Bachelor of Arts, v.v
Đối với bằng thạc sỹ: Master of Science, Master of Arts, v.v.

3. Job Objective (Mục tiêu nghề nghiệp)
Phần này làm cho nhà tuyển dụng chú ý đến mục đích của bạn. Objective là phần quan trọng bởi vì nó cho nhà tuyển dụng biết bạn đang tìm kiếm điều gì với công việc này? 

Ví dụ, nếu bạn muốn xin đi dạy ở một trường nào đó, bạn phải thể hiện rằng bạn có những kinh nghiệm liên quan đến dạy học.

Phải nêu rõ ràng và nổi bật công việc bạn thích, phù hợp khả năng, kể cả môi trường làm việc mà bạn yêu cầu. Khi xin vào làm việc tại một công ty hiện đại thì đây là phần ăn điểm vì chúng ta dám yêu cầu, đòi hỏi và hoàn toàn tự tin khi đề nghị công việc cho chính mình. Nhưng nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì tốt nhất là không nên nêu các yêu cầu vì ở Việt Nam thì đôi khi yêu cầu sẽ làm bạn mất đi 1 vài cơ hội tốt.

4. Professional experience (Kinh nghiệm chuyên môn) và Skills (Các kỹ năng có liên quan đến công việc): 

Mục đích của phần này là nhằm nhấn mạnh các kỹ năng, kinh nghiệm bạn cần có cho vị trí mà bạn đang tìm.

Nên điền ngày, tháng, năm làm việc; tên và địa điểm của công ty; hoạt động của công ty và nhiệm vụ của bạn ở công ty đó là gì? Nhớ liên hệ kinh nghiệm làm việc với mục Objective.

Bạn có thể sắp xếp theo nhiều cách: Theo thứ tự từ công việc gần nhất, theo thứ tự kinh nghiệm liên quan quan trọng nhất. Các thành quả đạt được trong công việc. Thêm kinh nghiệm bán thời gian hoặc tình nguyện. 
Sinh viên Việt Nam hơi thiếu khoản này. Vì vậy, ngay bây giờ phải gấp rút lăn xả vào thực tế, hòng kiếm cái để ghi vào mục này đi nhé. Không cần phải liệt kê tất tần tật những công việc lớn nhỏ mà bạn đã làm qua. Chỉ cần lựa chọn một hai công việc có giá nhất và thành tựu lớn nhất đạt được là đủ. 

Ví dụ về các kỹ năng: 
  • Computer skills (Kỹ năng tin học): Nên trình bày chính xác những gì bạn đã làm liên quan đến máy tính, không nên chỉ kể tên các kỹ năng bạn có.
  • Language skills (Các kỹ năng ngôn ngữ): Mục đích của phần này là nhằm làm cho nhà tuyển dụng chú ý đến ngoại ngữ mà bạn biết, vì thế hãy trình bãy rõ các kỹ năng ngôn ngữ mà bạn có.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề. Ví dụ: “Tôi đã tham gia đề tài giải quyết vấn đề nghỉ học của sinh viên. Tôi đã phỏng vấn một số sinh viên để tìm ra nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp để hạn chế sinh viên bỏ học. Kết quả là lượng sinh viên bỏ học đã giảm 20% sau 3 tháng áp dụng”. 
  • Khả năng giao tiếp - kỹ năng thuyết trình: Hãy liệt kê các dịp phát biểu trước công chúng, các bài thuyết trình ở hội thảo, lớp... Ví dụ: “Tôi đã từng được mời phát biểu trong kỳ Đại hội Hội Sinh viên TP.HCM năm 2005”. 
Một số kỹ năng ngoài, những sở trường đặc biệt, ít người có. 

5. Extracurricular activities (Các hoạt động ngoại khóa)
Phần này cho phép bạn thể hiện các kỹ năng như là teamwork (khả năng làm việc nhóm), competitive spirit (tinh thần cạnh tranh), nó bổ sung cho kinh nghiệm làm việc của bạn hoặc thay thế nếu bạn có ít hoặc không có kinh nghiệm làm việc. Đây là phần quan trọng không kém, nó thể hiện cá tính và năng lực của bạn. Có thể trình bày cả hobby của bạn trong phần này. Thành tích hoạt động càng nhiều càng có cơ hội việc làm. 

6. Reference
Phần này cho nhà tuyển dụng biết những người sẽ bảo đảm cho những thông tin mà bạn đưa ra, là người sẵn sàng chứng thực cho bạn về những khả năng mà bạn có. Người đó phải sẵn sàng tiếp đón đại diện công ty mà bạn ứng tuyển nếu công ty đó có nhu cầu xác minh các thông tin về bạn. Người tham khảo có thể cũng chính là người viết Thư giới thiệu cho bạn. 

Cần nêu rõ chức vụ, họ tên, nơi công tác, số điện thoại và địa chỉ liên lạc của người tham khảo. 

Lưu ý
  • Luôn ghi rõ nội dung thư xin việc ngay trong thư gửi nhà tuyển dụng, tránh trường hợp để trống trong thư và toàn bộ gửi ở phần đính kèm. 
  • Thư xin việc thuyết phục chỉ nên trình bày trong 01 trang, trong đó bạn phải nêu rõ vị trí dự tuyển, các điểm chính trong CV bạn vừa viết xong, nhấn mạnh các kỹ năng chính có liên quan đến công việc. Làm cách nào công ty có thể liên lạc được với bạn. Một vài lời hứa hẹn chân thành. Bày tỏ mong muốn thật sự được đóng góp cho công ty. 
  • Ngôn ngữ nhẹ nhàng, giản dị, chân thật. Sử dụng câu ngắn gọn, dễ hiểu. Tránh tuyệt đối việc sai lỗi chính tả và các dấu chấm câu. Chú ý xuống dòng ở những chỗ cần thiết. Trình bày thoáng, đẹp mắt. 

Chúc các bạn thành công. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét