Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Làm thế nào để biết mức lương nhà tuyển dụng có thể trả cho bạn?

Nếu như trước đây bạn thường thấy các mẫu tin tuyển dụng có đính kèm mức lương là bao nhiêu thì ngày nay chúng ta không còn xa lạ gì với cụm từ “lương-thỏa-thuận”. Tưởng tượng bạn đang ngồi trước bàn phỏng vấn, khi nhà tuyển dụng (NTD) hỏi: “Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?!”, bạn sẽ trả lời thế nào?


Mức lương của bạn yêu cầu bao nhiêu?

Thật là khó nói phải không? Đưa ra mức lương quá cao thì có thể sẽ không được nhận vào làm, còn nếu đề nghị mức thấp thì bạn cảm thấy không xứng tầm với khả năng của mình. Sẽ có nhà tuyển dụng hiểu bạn không muốn đưa ra một câu trả lời trực tiếp, tuy nhiên vẫn có nhà tuyển dụng cần bạn tiết lộ con số bạn mong muốn…

Sau đây là ba cách hiệu quả để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi trên:

1. Hỏi thêm trước khi trả lời

Nguyên tắc đầu tiên là bạn không nên trả lời ngay câu hỏi trên. Hãy nhớ rằng khi NTD hỏi mức lương mong muốn, nhiều khả năng bạn đã là “người-được-chọn”. Hãy đặt câu hỏi tìm hiểu thêm chi tiết về công việc (nếu bạn chưa có nhiều cơ hội để tìm hiểu trong quá trình trao đổi) để có thể đề nghị một mức lương phù hợp.

Cơ hội để bạn học hỏi, phát triển và thăng tiến?
Trách nhiệm công việc (kể cả doanh số bạn phải chịu)?
Số lượng nhân viên bạn sẽ quản lý (nếu có)?
Những chương trình phúc lợi cho nhân viên?

Những câu hỏi về chi tiết công việc thể hiện sự nghiêm túc và quan tâm của bạn đối với cơ hội được làm việc với công ty. Điều đó sẽ ghi thêm điểm cho bạn. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ai thật sự quan tâm đến công việc, họ sẽ chia sẻ thêm những thông tin hữu ích giúp bạn có thể đưa ra một mức lương phù hợp. Lý tưởng hơn, bạn có thể khéo léo chen vào câu hỏi về mức lương dành cho vị trí này trong quá trình trao đổi.

2. Hãy để nhà tuyển dụng thay bạn trả lời

Bạn cũng có thể áp dụng thuật “đi vòng”, nghĩa là chuyển buổi nói chuyện theo một hướng khác rồi khéo léo quay trở lại vấn đề NTD đang hỏi. Nếu bạn thật sự chưa thể nghĩ ra một con số cụ thể, hãy biến câu trả lời thành một cơ hội để giới thiệu thêm về định hướng của bạn cho nhà tuyển dung. Một ví dụ cho câu trả lời của bạn: “Qua trao đổi với anh/chị, tôi thật sự rất thích môi trường làm việc của công ty cũng như những thử thách của công việc này. Tôi mong muốn trở thành một thành viên và đóng góp vào sự phát triển của công ty. Đối với tôi, cơ hội học hỏi và phát triển để trở thành một kế toán trưởng trong vòng ba năm tới cũng như môi trường làm việc thân thiện, cởi mở là điều tôi quan tâm nhất hiện tại. Và thật sự tôi nghĩ đây chính là một cơ hội dành cho mình. Nếu có thể, anh/chị vui lòng cho tôi biết mức lương dành cho vị trí này?”.

Với cách trả lời này, bạn tạo được một không khí thân thiện với NTD, và nhất là tránh được câu trả lời trực tiếp.

Hãy chuẩn bị những câu trả lời như vậy, nhưng phải dựa vào thông tin bạn có được trong suốt quá trình trao đổi với nhà tuyển dụng. Tuyệt đối tránh sử dụng một “câu trả lời mẫu” cho tất cả nhà tuyển dụng khác nhau. Họ sẽ biết ngay là bạn đã học thuộc lòng. Và bạn sẽ bị mất điểm…

3. Quan trọng hơn, “biết người biết ta”

Bạn nên tìm hiểu về thị trường lương thực tế trước khi đi phỏng vấn. Có thể tìm hiểu từ bạn bè, người thân, từ internet (các trang tuyển dụng vị trí tương đương)… để biết thêm khoảng lương cho vị trí bạn đang ứng tuyển. Tuy nhiên, hãy thực tế! Cùng một vị trí, chẳng hạn kế toán trưởng, nhưng công ty nước ngoài sẽ trả khác công ty trong nước, ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ khác ngành dịch vụ, công ty tại Tp. Hồ Chí Minh hay Hà Nội sẽ có mức lương khác với các công ty tại khu công nghiệp…

Những thông tin này sẽ giúp bạn tư tin hơn, cảm thấy thoải mái hơn trước khi bước vào buổi phỏng vấn. Tôn Tử đã từng nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.”

Khi đươc hỏi “bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?”, bạn đừng đưa ra một mức cụ thể – “Tôi nghĩ 10 triệu đồng”. Bạn nên đưa ra một khoảng. Nếu bạn nghĩ mình xứng đáng với 10 triệu, bạn nên trả lời “Với những chi tiết công việc như anh/chị đã trao đổi với em, em nghĩ mức lương từ 9 triệu đến 11 triệu là hợp lý.”

Nhiều người sau khi nhận được lời mời đi làm vẫn cảm thấy không vui, họ ước gì họ đã thương lượng thêm về phần lương và phúc lợi. “Ước gì tôi đã nói thêm điều này, điều kia thì chắc chắn lương của tôi có thể cao hơn” là những lời “than-vãn” của những người vội vàng thỏa thuận mức lương.

Còn bạn thì sao? Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp đó chưa? Đừng bao giờ để mình rơi vào tình huống đó. Còn một khi bạn đã không chuẩn bị kỹ khi đàm phán về lương, hãy coi đó là một kinh nghiệm đáng giá, và quên điều đó đi. Thay vì than vãn, tỏ vẻ tiếc nuối, bạn nên tập trung vào công việc hiện tại, mở rộng phạm vi trách nhiệm của mình, thể hiện thái độ làm việc tích cực, và đến kỳ đánh giá hiệu quả công việc và điều chỉnh lương tiếp theo, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

hi,greeting I like your blog :D

Đăng nhận xét