90% người đi xin việc thừa nhận lương là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng, khác với phần lớn người nước ngoài đi phỏng vấn tuyển dụng, đa số Người Việt ta đi xin việc ít khi hỏi lương vì ngại, chả lẽ chưa làm gì đã đòi hỏi, nghe kỳ kỳ thế nào, dù trong bụng rất muốn biết. Liệu điều đó có tốt hay không?
Cuối tháng rồi, Nhân Viên Mới có đọc được 1 vài chia sẻ về việc lương thưởng. Họ cũng như Nhân Viên Mới, cũng mới "ra lò" từ 1 trường ĐH nào đó, cũng mới đi làm chưa lâu và họ có chung sự muộn phiền về lương thưởng. Hỏi ra mới biết, lương không cao (khoảng 3tr VNĐ) sống tại đất Hà Nội, chưa kể còn bị trừ tiền ăn, còn bảo hiểm này nọ... thấy bảo, cầm lương mà buồn cả người. Ừ thì buồn, Nhân Viên Mới có hỏi, thế lúc phỏng vấn tuyển dụng, ... có thương lượng về Lương thưởng không? thì đáp lại chỉ là sự im lặng.
Lương bổng - yếu tố quan trọng nhất
Người viết bài này từng tham dự khá nhiều lần tuyển nhân viên cho một tổ chức quốc tế và luôn phải chuẩn bị một câu hỏi "Quí ông/bà mong muốn lương là bao nhiêu?". Hoặc có khi ứng viên hỏi thẳng về lương mà không vòng vo.
Theo bạn, mấy tỷ người trên hành tinh đi xin việc nghĩ gì trước? Câu trả lời là lương, lương và lương, là bao nhiêu tiền đút vào túi hàng tháng.
Một thống kê bên Mỹ nói rằng, có tới 90% người đi xin việc thừa nhận, lương là yếu tố quan trọng nhất, liệu có nhận việc đó hay không, rồi mới đến cơ hội thăng tiến, gần nhà hay môi trường làm việc. Thống kê còn cho biết thêm, hơn 50% kêu ca lương trả quá thấp hơn khả năng.
Như vậy lương bổng là câu chuyện từ ngàn đời nay, chuyện chung của các châu lục, chẳng phải chuyện riêng của công chức Việt Nam, bài toán nan giải của mọi chế độ. Đất nước no ấm hay không, hạnh phúc hay không là do đồng lương quyết định tất cả.
Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Barack Obama và Mitt Romney luôn nói về công ăn việc làm. Đó là đồng tiền bát gạo của hàng trăm triệu gia đình Mỹ. Không có lương thì chẳng ai cần... tổng thống làm gì.
Vậy, Lương thế nào là vừa?
Thời chiến tranh, lương cả tháng chỉ đủ ăn trong một tuần, nhưng ít nghe về nạn tham nhũng như bây giờ. Bởi cả nước muốn thắng Mỹ và có mục đích duy nhất "thắng giặc ta sẽ xây bằng năm bằng mười", ít người nghĩ đến đồng lương và so sánh hơn thiệt. Rất đơn giản ai cũng thấy vừa lòng vì mình đã làm việc và đóng góp cho đất nước.
Nhưng thời bình mục tiêu đã khác. Gia đình, con cái, nhà cửa, đất cát đều là mục đích tối thượng của người làm công ăn lương. Mục đích chung mờ nhạt, mục đích riêng rõ hơn, từ quan to đến dân thường.
Hơn nữa, đạo đức thời chiến khác với đạo đức thời bình. Lấy thước đo đạo đức của hai thời ra kêu gọi lương thấp để làm việc nhiều như ngày xưa là không ổn.
Trả lương đúng với trình độ và cống hiến của người làm việc là cách tốt nhất. Và sự thỏa thuận giữa người làm thuê và người thuê về mức thù lao là quan trọng.
Gọi một người đến giúp lau chùi cái nhà ba tầng. Có người đòi 500 ngàn, người khác đòi một triệu. Có gì đảm bảo một triệu kia đã làm người ta vừa lòng. Người đòi ít hơn có khi lại vui vì hôm đó họ kiếm được việc làm. Trong hai người, chủ thuê thích ai hơn, chắc bạn đọc đã rõ.
Nhưng một hôm nào đó người hưởng ít kia phát hiện ra, cũng lau chùi cái nhà ấy mà kẻ khác lại được tới gấp đôi. Chắc chắn sẽ có sự so bì. Như vậy, công bằng trong xếp lương cũng quan trọng không kém.
Người chủ, nếu thông minh, có thể giải thích, trả cho anh kia gấp đôi vì anh ta phải lau cả trong lẫn ngoài, rửa mái nhà, làm lại sân vườn. Còn anh chỉ làm mỗi phía trong nhà nên lương trả một nửa là đúng thôi.
Dựa vào nguồn kinh phí, số cán bộ cần thiết cho cơ quan, xác định phạm vi công việc (TOR) cho từng vị trí và định mức lương tương ứng là việc quan trọng nhất, khi xác định thang lương.
Lúc phỏng vấn, xem sơ yếu lý lịch, kiểm tra với nơi làm cũ, trình độ của ứng viên và so sánh với khả năng kinh phí, ban tuyển chọn sẽ đưa ra một quyết định về mức lương.
Ứng viên trình độ cao quá so với công việc yêu cầu cũng khó được nhận vì khi vào rồi, họ sẽ đòi hỏi, so sánh lương bổng, rồi đâm ra lười biếng vì công việc dưới tầm, đôi khi làm mất đoàn kết nội bộ.
Lấy người trình độ thấp lại mất công đào tạo, phí tổn tiền của và đôi khi làm cho năng suất lao động của cả cơ quan bị ảnh hưởng.
Để tuyển chọn công chức từ thấp đến cao thì bên phát triển nguồn nhân lực phải ra được một bộ hồ sơ tuyển chọn bao gồm TOR, thang lương và cách tuyển chọn thế nào cho đúng. Thi tuyển minh bạch và công bằng mới mong chọn được đúng người đúng việc và ...đúng lương.
Để tăng lương lấy tiền ở đâu ra
Có nhà máy in tiền, cứ thế người ta... in tiền ra mà phát lương. Những năm 1980, chuyện này đã xảy ra rồi và không thể tăng lương bằng cách in tiền. Vì lạm phát sẽ tăng, lương lại tăng, lại lạm phát, một vòng luẩn quẩn.
Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người hưởng lương từ ngân sách, chưa kể lực lượng vũ trang khoảng 1-2 triệu người. Cứ tạm tính trung bình lương là 3,5 triệu/ tháng. Như vậy quỹ lương hàng tháng vào khoảng từ 24 đến 25 ngàn tỷ, tương đương với hai cái bảo tàng lịch sử quốc gia định xây.
Có bao giời chúng ta tự hỏi, nước mình có cần tới 7 triệu cán bộ như thế không? Hay ta chỉ cần 3 hay 4 triệu là đủ.
Cho số 3 triệu kia thôi việc, chuyển họ sang kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài. Nếu họ có tài thực sự thì lương sẽ rất cao, không bị pha phí chất xám, đóng góp cho đất nước lớn hơn rất nhiều.
Cán bộ trình độ kém, ngồi nhầm ghế, thường gây ra trì trệ xã hội, dốt hay tham, muốn ăn thì phải phá, trộm cắp dễ xảy ra, số tiền mất mát khó mà tính được và hiệu ứng ngược của xã hội đã rõ.
Sàng lọc để tuyển ra đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, năng động, sáng tạo và trong sạch, rút bớt đi một nửa thì cũng đã tăng lương cho họ tới gấp đôi, tính sơ sơ, lương lên tới 6 đến 7 triệu/ tháng.
Để thêm gấp đôi thu nhập cho cán bộ từ 10 đến 15 triệu/ tháng, ta nên bắt chước Singapore, vay tiền ODA để trả lương. Vì lương thấp mà họ tham nhũng thì còn quá số tiền đi vay. Quan trọng hơn cả, tham nhũng làm băng hoại đạo đức và đất nước không thể phát triển.
Với mức lương cao từ 10 đến 15 triệu/ tháng, thì trong khoảng thời gian 5 năm nữa, cán bộ sẽ ít kêu ca.
Quan hệ lương và tham nhũng
Thấy lương thấp và tham nhũng cao nên tăng lương cho cán bộ khỏi ăn cắp, tham nhũng hay tham ô ư? Nhầm hoàn toàn. Lương thấp vẫn tham nhũng, lương đủ ăn cũng kiếm thêm bằng phong bì...
Không đủ tiền cung cấp cho vợ con thì cán bộ xã, huyện, tỉnh, tham ô nhũng nhiễu. Họ giải thích là nghèo quá, đói ăn vụng túng làm liều. Liệu có ai nghe được chăng? Có thể đồng ý cho 70% dân số Việt Nam là nông dân vào thành phố đi... "ăn cắp" vì thu nhập ở quê thấp hơn thành phố?
Cựu thống đốc bang Chicago (Mỹ), Blagojevich, với lương khoảng 200.000USD/năm, đủ cho gia đình đàng hoàng, xe hơi, nhà lầu bên Mỹ, nhưng ông ta vẫn bán cái ghế của Obama nhằm kiếm thêm. Hiện đang ngồi bóc lịch tới 14 năm.
Cựu Tổng thống Suharto của Indonesia có hàng chục triệu đô la sau vài năm cầm quyền, ông ta vẫn tiếp tục tham lam thêm mấy chục năm sau. Tài sản lên tới 30 tỷ đô và đất cát nhà cửa của gia đình chiếm tới 40% diện tích đảo Timor Leste và 36.000 km2 ở Indonesia, bằng một nửa diện tích Việt Nam. Sự tham lam của con người ta là vô tận. Chả thế mà gọi là tham- sân- si. Nói là tăng lương cao để giảm tham nhũng mới đúng một nửa.
Giải pháp chống tham nhũng
Cán bộ Nhà nước khác người làm thuê tại các công ty, nhà máy, hay đầu tư nước ngoài, ở chỗ là họ có quyền. Khi tiếp xúc với dân đến xin xỏ thì đó là kẽ hở để móc túi dân.
Có bao giời chúng ta tự hỏi, nước mình có cần tới 7 triệu cán bộ như thế không? Hay ta chỉ cần 3 hay 4 triệu là đủ.
Cho số 3 triệu kia thôi việc, chuyển họ sang kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài. Nếu họ có tài thực sự thì lương sẽ rất cao, không bị pha phí chất xám, đóng góp cho đất nước lớn hơn rất nhiều.
Đúng là quan chức lương cao thì không phải lo chuyện thường nhật của gia đình. Đó là yếu tố quan trọng để họ đóng góp hết lòng cho đất nước. Khi họ tận tụy với công việc thì đất nước sẽ yên ổn, dân không phải lo lót, cứ đường thẳng mà đi. Sự trong sạch của xã hội cũng từ đó mà ra.
Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long có lương một năm là 1,7 triệu USD/ năm, tổng thống có lương 1,19 triệu, các bộ trưởng hưởng 850 ngàn và đại biểu quốc hội hưởng khoảng 150 ngàn đô/ năm. Thủ tướng lương gấp 10 lần đại biểu quốc hội. Và họ không phải đóng thuế thu nhập.
Bên xứ Mỹ, Tổng thống Barack Obama có lương một năm là 400 ngàn, thêm 50 ngàn tiền tiêu vặt, nhưng phải đóng thuế khá nặng. Phó Tổng thống hưởng bằng một nửa. Ngoại trưởng Hillary Clinton lương vẻn vẹn 168 ngàn USD/ năm.
Lương công chức cao, chế độ đãi ngộ tốt, cán bộ mẫn cán hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số tham tham nhũng năm 2011 của Mỹ là 7.1, Singapore là 9.2 (thấp so với thế giới). Họ đạt được điều này bởi luật pháp chặt chẽ, chính phủ minh bạch, xã hội dân chủ...
Báo chí, quyền lực thứ tư, không bị hạn chế, không có vùng cấm. Mọi chuyện tham nhũng dễ bị phơi bầy. Và không có ai ngồi trên pháp luật.
Đừng bao giờ nói người Mỹ, người Singapore không biết tham tiền. Tiền bạc, quyền lực không có pháp luật kiểm soát thì trộm cắp là đương nhiên.
Tại những nước phát triển, nếu bị phát hiện tham nhũng thì bị mất việc, bị tù và suốt đời không ngẩng đầu lên được. So sánh hình phạt và số tiền tham nhũng, công chức ở những nước này thường phải cân đong đo đếm rất kỹ khi thò tay lấy phong bì.
Lương cao cho quan chức trong một xã hội như thế thì chắc chắn sẽ thu nạp được nhân tài làm cho Chính phủ, là yếu tố quan trọng cho phát triển.
Nếu chỉ nghĩ lấy lương cao "nhử" cán bộ về làm mà cách tuyển chọn không minh bạch, công việc không rõ ràng, luật pháp không nghiêm và công bằng, xã hội thiếu dân chủ, thì chuyện tăng lương để chống tham nhũng chỉ là câu chuyện nhiều tập không có hồi kết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét