"Nhìn về từng ngày vừa đi qua đây, vẫn thế đấy lắm đắng cay..."
Hôm rồi vừa đăng 1 cái Stt lên FB về việc chán đọc CV xin việc của các bạn Sinh viên Thương Mại lắm lắm rồi, thấy các bạn lập tức nhảy vào comment, đòi xem 1 cái CV "hợp chuẩn" là như thế nào, thế nào là 1 cái CV nhìn "chán chả buồn đọc" làm mình đã buồn nay lại buồn hơn. Mỗi người sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khác nhau, thì sao có thể tồn tại một mẫu chung để giới thiệu về bản thân mình ??
Thời đại Internet phát triển ầm ầm, các bạn ngày ngày online vào FB "chát chót chét ầm ĩ" thế mà không có đến 5' search ra 1 cái mẫu CV, search ra cái tip viết CV người ta share đầy trên mạng, lại đòi xem thế nào là cái "hợp chuẩn", rồi cái "chán chả buồn đọc".
Hic! có bạn còn khoe thành tích là viết 1 cái CV, chẳng buồn sửa mấy, thế mà nộp một cái được nhận ngay... oài, đọc mà đau hết cả người. Đành phải nói, với mỗi người, với mỗi trường hợp khác nhau, sẽ nhận được những phản hồi khác nhau.
Nếu bạn có các mối quan hệ từ trước tại nơi bạn ứng tuyển, bạn có kinh nghiệm làm tại vị trí tương tự, công ty đang cần người gấp để lấp chỗ trống tạm thời, chi phí cho việc trả lương cho bạn rẻ hơn việc trả lương cho người đã ra trường (phải kèm các đãi ngộ, chính sách khác...) và hàng tỷ lý do khác có thể xảy ra, thì bạn vẫn được tuyển. Nhưng, nếu bạn nộp CV sang một vị trí tương tự, tại một công ty khác... thì tình huống tuyển dụng của bạn sẽ khác. Nhân Viên Mới (dù bây giờ hết mới lâu rồi) muốn chia sẻ với các bạn rằng, hãy đặt yêu cầu cao hơn đối với bản thân, các bạn còn trẻ và còn cần tìm tòi, phát triển nhiều hơn nữa vì thế hệ trẻ hơn các bạn cũng đang không ngừng vận động, không ngừng phát triển.
Dưới đây, Nhân Viên Mới xin chia sẻ một vài tình huống, mà các bạn "có thể" đã hoặc sẽ sử dụng trong bản giới thiệu về bản thân mà không thấy "hậu quả" của nó như thế nào:
1. “Tôi đáp ứng được các yêu cầu của vị trí cần tuyển”. Hàng trăm ứng viên có thể đáp ứng các yêu cầu của vị trí cần tuyển. Câu “tuyên bố” này không đủ để bạn có được cái “liếc nhìn” thứ hai của nhà tuyển dụng. Cái bạn cần là phải giải thích được vì sao bạn là một ứng viên xuất sắc chứ không phải là một ứng viên vừa vừa. Đôi khi các bạn chỉ nêu ra 1 vài tiêu chí như kiểu: tôi đã thực tập tại chỗ này chỗ kia, tôi đã làm cộng tác viên chỗ kia chỗ nọ và chốt lại cái câu “Tôi đáp ứng được các yêu cầu của vị trí cần tuyển” và cho đó là đủ rồi. Nhưng thành thật mà nói, cái mà nhà tuyển dụng tìm kiếm còn nhiều hơn kinh nghiệm làm việc chỗ kia chỗ nọ của bạn, điều đó đã được nhà tuyển dụng đưa vào trong bản mô tả công việc và 1 số tiêu chí khác mà họ đã định sẵn rồi.
Ví dụ: Nhà tuyển dụng tìm kiếm một ứng viên cho vị trí biên tập báo điện tử, họ sẽ tìm kiếm những ứng viên có khả năng viết và trình bày nội dung CV cẩn thận từ khoảng cách các chữ, ảnh chân dung, ... chứ không chỉ là 1 người ghi ra mấy chữ "sử dụng word thành thạo".
2. “Tôi là một người làm việc chăm chỉ và giao tiếp tốt”, hoặc có thể là một người làm việc theo nhóm hiệu quả, chủ động, độc lập trong công việc… Đây chỉ là những lời nói sáo rỗng mà các nhà tuyển dụng chẳng buồn để ý tới. Tệ hơn, những câu như vậy không truyền tải được điều gì thực chất ngoài sự thật rằng bạn đang tự đánh giá bản thân, và những đánh giá đó không có trọng lượng với nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng vẫn thích tự họ đánh giá về mọi thứ hơn. Hãy tự đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng, bạn sẽ hiểu được người ta có cảm giác như thế nào khi đọc mấy câu trên.
3. “Tôi là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn”. Rõ ràng, câu này nghe không khiêm tốn cho lắm. Nếu đúng bạn là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, điều đó phải được thể hiện rõ qua các thành tích mà bạn đưa ra trong lý lịch. Những “tuyên bố” kiểu này chắc chắn sẽ bị đánh giá là “gàn dở”.
4. “Công ty sẽ không tìm được một ứng viên tốt hơn tôi”. Bạn không thể kết luận như vậy nếu bạn chưa biết rõ về các ứng viên còn lại. Câu nói này biến bạn thành một người khoe mẽ không phải lối. Nếu bạn thực sự xuất sắc, nhà tuyển dụng sẽ tự phát hiện ra bạn. Việc bạn tự vỗ ngực trong khi chưa có cơ sở sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá không tốt về bạn. Tất nhiên, nếu bạn có trình độ thực sự thì bạn có quyền, nhưng khả năng của bạn cần phải được khẳng định quan danh sách các công việc bạn đã làm qua, thành tích bạn đạt được, chứng nhận của những bên có liên quan, ...
5. “Thưa ông/bà”. Ở hầu hết các lĩnh vực, câu này đã trở thành một câu chào hỏi cũ mòn, ngột ngạt. Nếu bạn biết tên của nhà tuyển dụng, hãy dùng tên của họ trong câu chào. Còn nếu không, hãy viết là “Thưa nhà tuyển dụng”. Câu này hoàn toàn ổn và sẽ không khiến bạn giống như đến từ những năm đầu thế kỷ. CÓ một bí quyết mình muốn chia sẻ trong trường hợp này, đó là, bạn có thể lên mạng và search ra tên của nhà tuyển dụng (thông qua email và tin tuyển dụng trên một số website) tất nhiên cũng có trường hợp là search không ra. Nhưng nếu search ra được thì CV của bạn sẽ để lại ấn tượng khá tốt với người đọc.
Ví dụ: Câu "Em chào anh Cường" "Kính gửi anh Nguyễn Văn Cường"...đọc cũng thấy thân thiện hơn "Kính gửi nhà tuyển dụng"...
6. “Tôi sẽ gọi cho ông/bà trong vòng một tuần để đặt lịch phỏng vấn”. Người tìm việc không thể đơn phương quyết định đặt lịch phỏng vấn. Một số người cho rằng, câu này giúp họ khẳng định bản thân là một người kiên trì, chủ động và giỏi về bán hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, nói vậy chỉ khiến các nhà tuyển dụng cảm thấy bị làm phiền. Nhà tuyển dụng Việt Nam có mấy người quen phong cách này đâu :D, muốn có trình tự đặt lịch phỏng vấn thì bạn cũng phải có 1 trình độ nhất định đi (gọi là quyền lực thương lượng khá lớn)
7. “Tôi sẵn sàng làm việc với mức lương dưới mức mà công ty đưa ra”. Những ứng viên viết câu này thường hy vọng rằng, nói vậy sẽ giúp họ được phỏng vấn khi mà những thông tin trong hồ sơ của họ không đủ hấp dẫn. Tuy nhiên, câu này không đem lại hiệu quả như họ muốn, vì các nhà tuyển dụng muốn tuyển người tốt nhất cho công việc và đã cân nhắc đầy đủ về ngân sách tiền lương cho vị trí cần tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ không chấp nhận một ứng viên yếu kém chỉ vì ứng viên đó chấp nhận mức lương thấp hơn.
Mình nhất định không cần một câu nói như thế này, vì với mình, nghe sao nó có vẻ không thật lắm, ^^ bạn đã biết công ty tôi sẽ trả mức lương như thế nào chưa? bạn cảm thấy mình không xứng đáng với mức lương của chúng tôi đưa ra à? vì sao thế ? đọc đến đây chắc các bạn đã tự hiểu.
8. “Tôi đã gửi kèm bảng điểm đại học, một danh sách tham khảo thông tin, 15 trang mẫu chữ viết tay, và bản đánh giá công việc mới nhất của tôi”. Trừ phi nhà tuyển dụng yêu cầu những thứ này, bạn không nên đưa chúng vào hồ sơ. Ở giai đoạn này, nhà tuyển dụng mới chỉ cần tới lý lịch nghề nghiệp và thư xin việc của bạn. Đừng làm họ phát ngợp với những thứ giấy tờ mà họ không đòi hỏi và có thể không muốn. Hãy đợi cho tới khi bạn tiến xa hơn trong quá trình xin việc, và hãy hỏi họ xem họ có cần những giấy tờ này hay không. Các món này có đính kèm người đọc cũng chưa chắc đã xem hết, người ta chỉ đọc những cái cần mà thôi.
9. “Vui lòng liên hệ với tôi nếu ông/bà muốn xem lý lịch nghề nghiệp của tôi”. Người tìm việc đôi khi gửi một lá thư xin việc (cover letter) mà không gửi kèm lý lịch nghề nghiệp (resume) khiến nhà tuyển dụng cảm thấy khó hiểu. Nếu bạn viết thư xin việc để gửi cho nhà tuyển dụng, bạn bắt buộc phải gửi kèm lý lịch nghề nghiệp. Đó là thứ đầu tiên mà nhà tuyển dụng muốn xem và nếu không có, nhà tuyển dụng sẽ chẳng biết bạn là người như thế nào để tiếp tục trao đổi với bạn. Lần sau mình sẽ ghi rõ là gửi thư xin việc kèm Lý lịch nghề nghiệp vì viết không CV các bạn cũng không tự hiểu là cần cái còn lại. Haizzz
10. “Tôi thực sự cần một công việc. Tôi đang tuyệt vọng”. Các nhà tuyển dụng có thể cảm thông với bạn nếu bạn đang tuyệt vọng, nhưng điều đó không khiến họ tuyển bạn. Thư xin việc của bạn cần chú trọng vào nội dung vì sao bạn là người phù hợp với công việc mà bạn đang nộp đơn xin, chứ không phải là bạn cần công việc đó ra sao. Cái này mình chưa thấy trong thực tế bao giờ, nhưng cũng liệt kê ở đây để các bạn đọc chú ý.
Chúc các bạn thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét