Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Cái Tâm là gốc của thành công

Trong chúng ta ai cũng có một công việc trước hết để kiếm sống, sau là làm giàu. Có người thành công, có người thất bại. Có người rất hài lòng, có người bất mãn, có người coi đó chỉ là một bước tạm thời trong lúc “quá độ”. Và ai cũng mong muốn sẽ thành công. Nhưng mọi người đã làm việc ra sao? Kết quả thế nào?

"Thiện căn ở tại lòng ta 
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài." - Nguyễn Du

Cuộc sống có những quy luật không thể đi ngược lại. Thực tế đã chứng minh ông trời chẳng cho không ai cái gì. Ta được cái này thì mất cái khác, đúng với những công sức, tâm huyết mình bỏ ra.

Người làm công bình thường (lương “ba cọc ba đồng”) thì ít lo nghĩ, có thời gian tận hưởng cuộc sống. Chỉ vất vả lúc chưa xong việc thôi, cứ hết giờ làm là thoải mái vô tư. Tài năng và công sức cống hiến tới đâu hưởng tới đó. Vận mệnh của công ty đã có “sếp” chịu trách nhiệm, mình cứ lương thưởng đầy đủ là êm ru. Còn các ông chủ thì chẳng bao giờ có khái niệm hết giờ, xong việc hay nghỉ ngơi thực sự. Nhìn họ bình thản vẻ bề ngoài thôi, trong đầu bề bộn lo toan và công việc. Ai đã từng trải qua mới hiểu việc đưa một sản phẩm hoặc một dịch vụ mới ra thị trường, rồi phát triển thành một thương hiệu mạnh nó “xương” như thế nào. Những người thành công quả là đáng khâm phục, họ phải đổ bao nhiêu công sức, thời gian, trí tuệ, tiền của mới có được thành quả mà mọi người nhìn thấy. Và họ luôn thèm cái cảm giác “như bác nông dân cày xong thửa ruộng”, được ăn thấy ngon miệng, ngủ ngon giấc, đầu óc không phải phân tán, ưu tư. Làm gì cũng có cái giá của nó là thế đấy.

Khi chúng ta chọn cho mình con đường tương lai không cần phải cố “đua” theo một trào lưu nào, hãy để cuộc đời cho công việc mình yêu thích và có khả năng thực sự, để bạn có niềm đam mê, thấy mình đã quyết định đúng, nếu thất bại cũng không hối hận. Và trước hết phải có tâm, có đức, có lòng nhiệt huyết, có trách nhiệm thì việc gì cũng mang lại thành công. Không phải ai cũng tìm được đúng ngành học, đúng hướng đi ngay từ đầu. Bạn cứ hoàn toàn tự tin chuyển đổi sang việc khác phù hợp với mình hơn. Chẳng có nhẽ gì mà chỉ mấy năm học đại học là quyết định cả cuộc đời (những sáu, bảy chục năm sau đó) phải “theo nghề”. Hiện nay số người làm không đúng ngành học ban đầu và đã thành công rất nhiều, người ta vẫn có câu “tay trái to hơn tay phải” mà!

Nếu bạn trẻ nào chọn con đường làm chủ thì hãy xác định đó là cả một quá trình vất vả, gian nan, đã đam mê rồi thì quyết đầu tư tới cùng, phải kiên trì làm bằng được. Nếu chọn con đường trở thành một người làm công thì dù ở đâu cũng hãy vận dụng hết tài năng, tâm huyết, để trở thành “cây cổ thụ” trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Cả hai lựa chọn trên đều có cơ hội thành công và thất bại như nhau.

Mỗi người có một sự nghiệp riêng, làm công hay làm chủ cũng vậy, quan trọng là ai sẽ thành công? Cho dù làm gì cũng chỉ là một “con đường” mà bạn lựa chọn, không có con đường nào tốt hơn, vấn đề là ai sẽ đi tới đích?

Thành đạt không quan trọng là bạn làm thuê hay làm chủ. Theo tôi, trả lời được những câu hỏi dưới đây là ổn rồi:

(1) Việc bạn đang làm có chân chính, lương thiện không ?
(2) Việc đó có đúng với khả năng và ước vọng của bạn không ?
(3) Bạn đã suy nghĩ và làm việc hết mình chưa ?
(4) Sản phẩm (hoặc kết quả công việc) của bạn đã tốt nhất chưa ?
(5) Thu nhập có xứng với công sức bỏ ra hay không?

Các cụ ta vẫn nói “có đức mặc sức mà ăn”, càng ngày tôi càng thấy câu nói đơn giản này có ý nghĩa to lớn, đúng đắn và sâu sắc. Hơn bao giờ hết, câu nói này rất phù hợp và cần được nêu cao trong xã hội ngày nay, đặc biệt là với những bạn trẻ đang xây dựng sự nghiệp tương lai, bằng con đường nào cũng vậy. Nhớ nhé bạn trẻ, cái tâm, cái đức chính là nền tảng cho mọi thành công đích thực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét