Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Thái độ không tốt, thất nghiệp là hiển nhiên

Một trong những câu hỏi thường gặp nhất khi các bạn đi phỏng vấn tuyển dụng là "Bạn/em hãy giới thiệu một chút về bản thân" và, đây cũng là câu hỏi khiến các nhà tuyển dụng đau đầu và thất vọng nhất. 

Khả năng tự nhận thức về bản thân của phần nhiều ứng viên, đặc biệt là ứng viên mới tốt nghiệp là khá lệch. Các bạn thường có xu hướng tự tin thái quá, cho rằng  mình có thể làm được nhiều việc, đặc biệt là sinh viên khối ngành kinh tế, quản trị. Còn đối với sinh viên đại học các ngành kỹ thuật khác, các bạn cũng có xu hướng đánh giá khả năng một cách cảm tính, chung chung và hơi quá với khả năng thực sự của mình. 

Phần lớn các bạn không có mục tiêu rõ ràng, không biết mình muốn gì, cần gì, dẫn đến hệ quả là học theo kiểu "càng nhiều càng tốt, càng cao càng tốt", "Học hỏi để có thêm kinh nghiệm" "học vì bố mẹ bảo thế" "học vì ai cũng học những thứ như thế"... chứ không có định hướng cụ thể. 

Tại sao lại như thế? 

Đầu tiên là lỗi của giáo dục, bao gồm cả giáo dục trong gia đình và giáo dục trong nhà trường. Những năm trước xã hội còn vin vào lý do không đủ thông tin về ngành học, về trường, về đầu ra... nhưng trong những năm gần đây câu chuyện đó không còn thuyết phục nữa. Có rất nhiều cảnh báo về dư thừa trong ngành ngân hàng và kinh tế tuy nhiên cha mẹ và học sinh vẫn đổ xô vào. Không tự lượng sức mình và không tự lượng dự báo chuyên môn. Tâm lý tìm việc an nhàn, lương cao, thực dụng vẫn chiếm đa số. Hệ quả là các em học sinh đổ xô vào các ngành “hot” nhưng bản thân mình lại không đủ tốt cho ngành đó. Thiết nghĩ, mỗi cá nhân nên tự hướng nghiệp cho cả cuộc đời, các bạn cần xem lại bản thân có thật sự cao như mình nghĩ hay không, nếu như trình độ các bạn chỉ làng nhàng thì không nên ảo tưởng hãy chấp nhận những công việc thấp hơn phù hợp với sức lực và khả năng. 

Thứ hai, các trường đại học có xu hướng quản lý không có tâm - học “dzỏm” và dạy giả chạy theo lợi nhuận, các bạn sinh viên từ những trường này sẽ không bao giờ qua được chốt chặt phòng nhân sự tại doanh nghiệp vì đơn giản họ là người bỏ tiền mua sức lao động. Họ có quyền từ chối và thải loại các ứng viên không đạt yêu cầu. Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế, không phải cứ sinh viên ra trường là có việc. Giáo dục không làm cho người học hiểu rằng "học để làm việc" mà làm người học hiểu là học để "lấy bằng cấp" nên các bạn thường cho bằng cấp nghĩa là năng lực, nhưng sự thật đáng tiếc là với phương pháp đào tạo nặng về lý thuyết như chúng ta, bằng cấp không đồng nghĩa với năng lực làm việc. Đấy là chưa kể đến việc mua bằng, mua điểm...


Đổ hết cho giáo dục thì chưa đúng bởi sản phẩm của giáo dục là con người, mà con người thì có quyền tự quyết định riêng. Có thể nói, học sinh sinh viên - sản phẩm của nền giáo dục là sản phẩm của bảy phần do mình, ba phần do gia đình và nhà trường. Nhưng, đa phần các bạn khá bị động, thích dựa dẫm, lười suy nghĩ, thích "la cà chém gió", ảo tưởng về khả năng thiên phú của chính mình, hy vọng "may mắn từ trên giời rơi xuống"... Không còn là chuyện đáng ngạc nhiên nếu trong giờ hành chính, mật độ các bạn trẻ ngồi quán cà phê, trà chanh còn đông hơn thư viện; thường trực online mạng xã hội than thân trách phận, đổ lỗi do trời... Các bạn sẽ "đi về đâu", chẳng ai biết, có lẽ là bố mẹ sẽ lo, hoặc không lo thì... chịu.

Cử nhân thì thất nghiệp "đầy đường" nhưng doanh nghiệp muốn tìm người thì tìm không ra. Chưa xét đến vấn đề lương hay đãi ngộ tại các doanh nghiệp mà vấn đề ở đây là đa phần các cử nhân, những bạn trẻ mới tốt nghiệp ngày nay luôn ngại xa, ngại khó, mời đi phỏng vấn còn không muốn đi và cũng chẳng có thái độ tôn trọng người sử dụng lao động (không tới phỏng vấn, một cú điện thoại thông báo cũng sợ tốn; tới phỏng vấn, thì đánh giá cơ sở vật chất nọ kia, đánh giá nhà tuyển dụng, trả lời thì vòng vo, nói quá khả năng của mình...) trong khi bạn chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm đáp ứng được các yêu cầu của họ. Cho nên, chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây, từ dư thừa 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ không có việc làm, phải làm nghề bán nước, quét vôi con số ấy đã tăng vọt khủng khiếp 162,4 ngàn người có trình độ từ đại học trở lên đang thất nghiệp. 

Truyền thông xã hội cũng đóng một vai trò rất quan trọng, tác động đến thái độ của đông đảo học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay trên con đường tìm việc. Nếu bạn là người thường xuyên dùng mạng xã hội, thường xuyên đọc báo mạng hay ít nhất cũng thường xuyên hóng hớt chốn đông người như mình, bạn sẽ thấy: Thứ nhất, các phương tiện thông tin hiện nay đề cập đến quá nhiều vấn đề vớ vẩn kiểu hot girl này nọ, lộ hàng, cướp, hiếp, giết, hôi của,... đó chưa phải là các thông tin hữu ích đối với bạn đọc và đặc biệt, tần suất xuất hiện của những tin tức kiểu đó đang ngày càng tăng lên ảnh hưởng xấu đến nhận thức của các bạn về thế giới bên ngoài.  Thứ hai, có quá nhiều tấm gương trẻ thành công được vinh danh không phải do lao động mà ra, hoặc nếu do lao động mà có thì cách vinh danh cũng không chỉ rõ được những sự nỗ lực, gắng công thực sự của người đó khiến các bạn trẻ lầm tưởng cuộc sống đơn giản chỉ có thế và lạc lối trong mớ bòng bong thông tin rác. Từ những ảo tưởng về cuộc sống, đề cao vai trò của việc tạo dựng các mối quan hệ, nhiều bạn sinh viên đã không tập trung phát triển kỹ năng, kiến thức mà sa vào các sự hào nhoáng về bằng cấp, mối quan hệ, tiền bạc, danh vọng mà quên mất: "Chỉ có sự phát triển tự nội lực của bản thân mới là sự phát triển bền vững nhất!" 

Ngoài những nguyên nhân về kinh tế, việc "Hướng nghiệp kỹ càng - Chọn trường phù hợp - Học đàng hoàng - Hiểu thấu đáo - Làm nghiêm túc" có tác động rất lớn đến việc các bạn trẻ có thất nghiệp hay không. 

Chúc các bạn may mắn. 
 - Nhanvienmoi bt

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

10 bài học quan trọng nhất cho độ tuổi 20

Lối suy nghĩ và hành động trong độ tuổi từ ngoài 20 đến dưới 30 có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai nghề nghiệp và cuộc sống sau này của bạn. Dưới đây là 10 bài học mà bạn nên cân nhắc áp dụng nếu đang ở trong độ tuổi này:

1. Những việc bạn làm ở độ tuổi 20 sẽ định nghĩa bạn là ai

Độ tuổi từ 20 đến dưới 30 là giai đoạn có ảnh hưởng lớn nhất trong đời. Nền móng mà bạn xây dựng trong độ tuổi này sẽ định nghĩa phần còn lại trong cuộc đời của bạn. Bởi thế, bà Jay thúc giục những nhân viên đang ở độ tuổi này nhìn nhận mọi chuyện một cách nghiêm túc.

2. Những trách nhiệm của người trưởng thành khiến bạn hạnh phúc hơn

Nhiều người trẻ tuổi có thể không muốn tìm một “công việc thực sự” hoặc sống tự lập. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Jay nhấn mạnh, có những việc liên quan tới trách nhiệm của một con người trưởng thành làm bạn cảm thấy hạnh phúc và đem tới cho bạn mục đích sống.

3. Hãy tìm công việc tốt nhất có thể

Nếu bạn đầu tư sớm vào sự nghiệp, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để xây dựng cho mình một sự nghiệp thành công. Theo tiến sỹ Jay, 70% tăng trưởng lương đạt được trong 10 năm đầu tiên của sự nghiệp, nên bạn cần tìm công việc tốt nhất có thể và hãy đàm phán mức lương để được trả xứng đáng nhất.

4. Không đưa ra lựa chọn cũng là một lựa chọn

Nhiều người trong độ tuổi 20 không biết họ muốn làm gì, nên thường lãng phí thời gian vào những công việc “không ra đâu vào đâu”, thậm chí không tìm việc làm. “Những người trong độ tuổi 20 cứ nghĩ họ đang để ngỏ các lựa chọn cho mình, nhưng thực ra họ đang đóng lại những cánh cửa”. Lý lịch công việc của những người như thế bắt đầu trở nên nghèo nàn, họ bắt đầu bị đồng nghiệp vượt lên, và rốt cục họ sẽ bị rơi vào cảnh thất nghiệp nửa chừng.

5. Sẽ mất thời gian để bạn trở thành một nhân viên giỏi

Những người trong độ tuổi 20 mới bắt đầu đi làm sẽ mất khoảng 10.000 giờ đồng hồ, tương đương khoảng 5 năm làm việc, để thực sự có tay nghề. Nếu bạn băn khoăn không biết vì sao mà các đồng nghiệp dường như quá hiểu công việc và tự tin, đó một phần là do họ đã có thời gian làm việc lâu hơn bạn. Những người trẻ cố gắng học hỏi nhiều nhất có thể trong công việc đầu tiên và nhớ rằng, sẽ phải mất thời gian để thực sự giỏi việc.

6. Có cách nhìn thoáng hơn

Bộ não của lứa tuổi 20 vẫn đang phát triển thùy trước, bà Jay cho biết. Đây là thùy não chịu trách nhiệm điều chỉnh các cảm xúc. Thực tế này cùng với kinh nghiệm nghề nghiệp còn non kém khiến những người trong độ tuổi 20 nhạy cảm hơn trước những điều ngạc nhiên và những lời chỉ trích. Họ thường có xu hướng nhìn nhận những nhận xét bằng quan điểm cá nhân, và “thổi phồng” trong suy nghĩ những chuyện xảy ra.

7. Nghiêm túc trong các mối quan hệ tình cảm

Nhiều người kết hôn muộn, nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu trong độ tuổi 20 nên bị xem nhẹ. Tuổi 20 là quãng thời gian mà bạn nên học cách làm thế nào để có những mối quan hệ lành mạnh. Điều đó có nghĩa là hẹn họ với những người có phẩm chất phù hợp cho một mối quan hệ lâu dài, và không trì hoãn chuyện yêu đương chỉ vì bạn nghĩ bạn có thể hoặc nên làm như thế.

8. Suy nghĩ chín chắn về chuyện “sống thử” trước hôn nhân

Tỷ lệ sống thử ở Mỹ đã tăng 15 lần kể từ năm 1960 tới nay. Ngày nay, có tới 7,5 triệu cặp đôi ở nước này chung sống mà chưa đăng ký kết hôn, và hơn một nửa tất cả các cuộc hôn nhân là kết quả của một thời gian “sống thử”. Những cặp đôi còn trẻ thường không trao đổi rõ ràng với nhau về việc “sống thử” có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ của họ.

“Rất dễ để “sống thử”, nhưng bước ra khỏi cuộc sống đó thì không dễ như thế”.

9. Nên nghĩ sớm về kế hoạch hóa gia đình

Phần đông những người trong độ tuổi trên 20 đến dưới 30 không nghĩ tới chuyện sinh đẻ có kế hoạch như thế nào. Những người trẻ tuổi vẫn nghĩ mình có nhiều thời gian để lập gia đình. Trên thực tế, khả năng sinh sản của con người giảm mạnh sau tuổi 35 và “lao dốc” sau tuổi 40. Đây không chỉ là vấn đề của nữ giới mà của cả nam giới. Tinh trùng của nam giới có tuổi thường không khỏe, và người vợ sẽ khó thụ thai hơn.

10. Thay đổi bộ não cho toàn bộ cuộc đời

Bộ não của con người chưa trưởng thành hoàn toàn cho tới khoảng 25 tuổi, nhất là những phần của bộ não chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho tương lai và kiểm soát các cảm xúc.

Điều đó không có nghĩa là bạn chỉ ngồi chờ não phát triển. Trên thực tế, những gì bạn học được và trải nghiệm trong độ tuổi 20 sẽ gắn chặt vào bộ não của bạn, và quãng thời gian này chính là cơ hội tốt nhất để bạn điều chỉnh bộ não, thay đổi cách bạn suy nghĩ và phản ứng trước các sự vật, sự việc. “Những gì mà mọi người làm trong độ tuổi 20 sẽ quyết định họ là ai khi họ thực sự trưởng thành”.

-sưu tầm-

Viết về cuộc sống: Chúng ta là những cứu tinh của chính mình

 
Lâu rồi nhân viên mới không viết gì cả, có lẽ cũng đến cả năm rồi. Sau một năm nhảy việc lung tung, lặp đi lặp lại bài ca nhân sự mới, hòa nhập môi trường mới, học tập quy định mới, những con người mới... NVM rút được không ít bài học cho chính mình, trong đó, có một bài học mang tên "Chúng ta là những cứu tinh của chính mình": 
*************
Một hôm một người trẻ tuổi lại gần Ðức Phật và hỏi Ngài: “Bạch Thế Tôn, cha con chết. Xin mời Ðức Phật đến và cầu nguyện cho cha con, cứu độ linh hồn ông ấy để ông ấy có thể đi lên thiên đàng. Những người Bà La Môn cử hành những nghi thức này, nhưng Ðức Phật lại còn mạnh hơn họ nhiều. Nếu Ngài sẽ làm điều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng về thiên đàng”.

Ðức Phật trả lời, “Rất tốt, hãy đi ra chợ và đem về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ”. Người trẻ tuổi sung sướng vì Ðức Phật đã hạ cố thi hành một số thần thông để cứu linh hồn cha của mình. Anh ta vội vã đi ra phố và mua các thứ mà Ðức Phật bảo. Ðức Phật chỉ dẫn cho anh ta để bơ vào một bình và để đá vào bình kia. Rồi ném cả hai bình đó xuống ao. Người trẻ tuổi làm theo và cả hai bình đều chìm xuống đáy ao. Rồi Ðức Phật tiếp tục: “Bây giờ hãy lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình đó ở dưới ao”. Người trẻ tuổi làm theo. Hai cái bình bị đập vỡ và bơ thì nhẹ đã nổi lên còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao.

Rồi Ðức Phật nói: “Bây giờ nhanh lên đi tập họp tất cả những thầy tu. Hãy nói với họ đến và tụng kinh để bơ chìm xuống và viên đá nổi lên.” Người trẻ tuổi nhìn Ðức Phật, sửng sốt, nói, “Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài có nói thật không ạ. Chắc chắn Ngài không thể trông chờ bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Ðiều đó ngược lại với quy luật tự nhiên.”

Ðức Phật mỉm cười và nói: “Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời LƯƠNG THIỆN thì những HÀNH VI của ông cũng nhẹ như bơ cho dù thế nào thì ông cũng lên thiên đàng. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại NGHIỆP luật thiên nhiên.

Nhưng nếu cha ngươi có một cuộc đời BẤT THIỆN thì cũng giống như hòn đá nặng, cha ngươi sẽ bị chìm vào địa ngục. Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi nữa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể thành khác được.”

Người trẻ tuổi hiểu rõ. Anh thay đổi quan niệm sai lầm của anh và ngừng đi loanh quanh đòi hỏi cái không thể được.

Nụ cười của Ðức Phật đã đi tới điểm: Không ai có thể cứu chúng ta, sau khi chúng ta chết. Theo NGHIỆP luật, chúng ta là sở hữu chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những hành vi của chúng ta. Những hành vi của chúng ta thực sự là tài sản của chúng ta. Chúng là chỗ nương tựa thực sự của chúng ta, là những thân nhân thực sự của chúng ta. Chúng là trung tâm từ đó chúng ta xuất phát.

Khi chúng ta chết, chúng ta không mang được dù chỉ có một xu với chúng ta, hay bất cứ thứ đồ gì của cá nhân chúng ta. Cũng chẳng có thể mang được một trong những người thân để cùng đi với chúng ta. Giống như chúng ta đến một mình theo NGHIỆP của chúng ta thì chúng ta cũng phải ra đi một mình.

Nếu chúng ta hiểu rõ NGHIỆP luật, thì chúng ta sẽ cảm niệm thấy sống một cuộc đời LƯƠNG THIỆN quan trọng đến như thế nào trong khi chúng ta còn sống. Ðợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn. Có một chút gì đó có thể làm được.

(Trích từ sách Chết trong an bình – Tỳ Kheo Visuddhacara)