Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

39 Điều tuyệt vời tôi đã học được từ cuộc sống

- Tôi đã học được: không thể làm ai đó yêu mình. Tất cả tôi có thể làm là trở thành một người được yêu mến. Những điều còn lại là tùy thuộc vào những người xung quanh.

- Tôi đã học được: dù tôi có quan tâm như thế nào chăng nữa, một số người cũng chẳng để ý tới.

- Tôi đã học được: phải mất nhiều năm để xây dựng lòng tin, và chỉ mất vài giây để đánh đổ nó.

- Tôi đã học được: người bạn của bạn có thân thiết tới đâu, một lúc nào đó họ sẽ làm bạn tổn thương và bạn nên tha thứ cho họ.

- Tôi đã học được: không phải vật chất nói lên bạn là ai, mà là những ai đã sống cùng bạn.

- Tôi đã học được: đừng bao giờ để “Xin lỗi" đi cùng “Lý do".

- Tôi đã học được: bạn có thể quyến rũ trong một khoảng thời gian ngắn. Sau đó, tốt hơn bạn nên nhận ra điều gì là quan trọng.

- Tôi đã học được: bạn không nên so sánh bản thân với những thứ tốt nhất mà người khác làm được.

- Tôi đã học được: bây giờ, bạn có thể làm ngay một điều gì đó mà để lại hậu họa cho cả cuộc đời sau này.

- Tôi đã học được: sẽ phải đi một quãng đường dài để trở thành con người mà mình mong muốn.

- Tôi đã học được: luôn luôn nói lời yêu thương với người mà bạn yêu mến. Vì rất có thể đó là lần cuối bạn thấy họ.

- Tôi đã học được: trước khi bạn bỏ cuộc, bạn vẫn có thể đi một quãng đường dài.

- Tôi đã học được: dù cảm thấy ra sao, chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

- Tôi đã học được: hoặc là bạn kiềm chế con người của mình hoặc nó sẽ kiểm soát bạn.

- Tôi đã học được: mặc dù một mối quan hệ có nồng nàn và ướt át tới mấy, thì nó cũng mờ nhạt dần và thay thế bởi những thứ tốt hơn.

- Tôi đã học được: anh hùng là những người làm những điều cần phải làm, bất kể hậu quả của nó.

- Tôi đã học được: tiền là thứ vật chất bần tiện được sử dụng để duy trì sự thành công.

- Tôi đã học được: tôi và bạn, hai người bạn thân, có thể làm mọi thứ hoặc chẳng làm gì cả nhưng vẫn có một khoảng thời gian tuyệt vời.

- Tôi đã học được: có những lúc người mong đợi bạn gục ngã khi bế tắc sẽ là người vực bạn dậy.

- Tôi đã học được: có những khi tôi tức tối và tôi có quyền được tức giận, nhưng nó không cho tôi quyền được làm điều ác.

- Tôi đã học được: một tình bạn đúng nghĩa sẽ bỏ qua khoảng cách và tiếp tục khởi sắc. Tình yêu cũng vậy.

- Tôi đã học được: chỉ vì một ai đó không yêu thương bạn như bạn mong muốn không có nghĩa là họ không yêu bạn với tất cả tấm lòng của họ.

- Tôi đã học được: sự trưởng thành sẽ cần nhiều hơn những kinh nghiệm bạn có, nhiều hơn những điều mà bạn học được và nó ít hơn với số lần sinh nhật của bạn.

- Tôi đã học được: đừng bao giờ nói với một đứa trẻ là ước mơ của chúng quá xa vời. Và còn tệ hại hơn nữa khi đứa trẻ ấy tin bạn.

- Tôi đã học được: gia đình không phải bao giờ cũng bên cạnh bạn. Đó tưởng như là một điều nực cười, nhưng một người không quen có thể quan tâm, yêu thương và dạy bạn cách để tin tưởng vào mọi người. “Gia đình" không có nghĩa là cùng huyết thống.

- Tôi đã học được: chẳng bao giờ là đủ khi tha thứ cho người khác. Một lúc nào đó bạn phải học cách tự tha thứ cho bản thân.

- Tôi đã học được: dù bạn có đau khổ như thế nào thì trái đất vẫn tiếp tục quay.

- Tôi đã học được: hoàn cảnh và cảnh ngộ có thể ảnh hưởng đến con người chúng ta, nhưng ta phải chịu trách nhiệm cho con người mà chúng ta trở thành.

- Tôi đã học được: một người giàu không phải là người có nhiều nhất, nhưng lại là người cần ít nhất.

- Tôi đã học được: chỉ vì hai người cãi nhau, không có nghĩa là họ không yêu nhau. Và chỉ vì họ không cãi nhau, không có nghĩa là họ yêu nhau.

- Tôi đã học được: chúng ta không phải thay đổi tình bạn ấy nếu chúng ta hiểu sự thay đổi của những người bạn.

- Tôi đã học được: bạn đừng cố gắng tìm hiểu một bí mật nào đó. Điều đó có thể thay đổi cuộc sống của bạn mãi mãi.

- Tôi đã học được: hai người cùng nhìn một thứ nhưng nhận thức khác hẳn nhau.

- Tôi đã học được: mặc dù bạn cố gắng bảo vệ con bạn, chúng vẫn bị tổn thương và bạn cũng vậy.

- Tôi đã học được: kể cả khi bạn chẳng có gì, bạn vẫn tìm thấy sức mạnh để giúp đỡ khi một người bạn gục khóc bên cạnh.

- Tôi đã học được: những thứ dính trên tường không định nghĩa một con người.

- Tôi đã học được: những người mà bạn quan tâm nhiều nhất trong cuộc sống thì lại nhanh chóng biến mất nhất.

- Tôi đã học được: thật là khó để vẽ ra vạch phân cách giữa cư xử đẹp và không làm tổn thương người khác và bảo vệ những gì bạn cho là đúng.

- Tôi đã học được: mọi người sẽ quên những gì bạn đã nói, những gì bạn đã làm, nhưng mọi người sẽ không bao giờ quên cảm giác mà bạn đã tạo ra cho họ.

Omer B.Washington (Mint dịch)

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Xây dựng môi trường làm việc Cạnh tranh - Kinh nghiệm từ VietnamWorks

Mỗi nhân viên của chúng ta đều có những tiềm năng nhất định. Nếu ví tiềm năng của mỗi người như ngọn lửa đang cháy âm ỉ thì sự cạnh tranh sẽ như chất xúc tác làm cho ngọn lửa đó cháy bùng lên, sáng rực hơn. Đó chính là lúc tài năng của họ được phát huy tối đa. 

Vậy làm thế nào để xây dựng một môi trường cạnh tranh và dĩ nhiên phải lành mạnh?

Hãy chia cạnh tranh theo nhiều cấp độ khác nhau. 

Cấp độ nội tại

Mỗi cá nhân phải cạnh tranh với chính bản thân mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tự mình tạo động lực để phát triển. Tại VietnamWorks, chúng tôi đánh giá hiệu làm việc của nhân viên mỗi sáu tháng; và câu hỏi đầu tiên của tôi luôn là “Sáu tháng qua, em đã học được những điều gì?” và cuối cùng là “Em muốn học và làm gì trong sáu tháng tới?” Chỉ khi mỗi cá nhân có khao khát cạnh tranh với chính bản thân mình, họ mới cơ thể thúc đẩy mình học hỏi và tiến bộ mỗi ngày. 

Để có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh, từ đó giúp đội ngũ của mình phát huy tối đa tiềm năng của mỗi người, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Là lãnh đạo, chúng ta có lắng nghe nhân viên của chúng ta muốn gì? Chúng ta có sẵn sàng hỗ trợ nhân viên khi họ đưa ra một sáng kiến và muốn thực hiện? Chúng ta có cho phép nhân viên mình phạm sai lầm để học hỏi và rút kinh nghiệm từ những thất bại? Chúng ta có thử thách nhân viên mình làm hơn khả năng và phạm vi trách nhiệm của họ? Chúng ta có khen thưởng khi họ đạt kết quả tốt từ những thử thách đó? Khi và chỉ khi chúng ta tạo điều kiện tốt nhất cho mỗi cá nhân phát huy tối đa tiềm năng của họ, chúng ta mới có được một đội ngũ chất lượng cao. 

Cấp độ cá nhân

Mỗi cá nhân phải cạnh tranh với bạn bè mình. Cạnh tranh không chỉ giúp cho từng cá nhân phải nỗ lực hết sức mình, mà còn đem lại kết quả tốt hơn cho cả tập thể vì nhân tài luôn thích thử thách và thể hiện bản thân. 
Gần đây tôi có một dự án lớn. Thay vì giao hẳn cho Minh, bạn đã từng đảm nhận những dự án tương tự, tôi cho phép cả nhóm chuẩn bị đề án trong vòng 2 tuần và ai muốn nhận thử thách này thì đăng ký trình bày đề án. Đề án xuất sắc nhất sẽ được chọn. Ban đầu, Minh không nói thích hình thức ấy và bạn ấy nói với tôi suy nghĩ của mình. Sau khi lắng nghe, tôi nói “Nếu em là người thích hợp nhất cho công việc này, em hãy chứng minh điều đó. Chẳng phải đây là cơ hội tốt cho em thể hiện mình sao?” Minh đã hiểu và chấp nhận cuộc thi này.

Minh rất tài năng, yêu công việc của mình và luôn muốn thành công. Nhưng nếu Minh nghĩ bạn ấy đương nhiên được giao những dự án lớn, bạn ấy sẽ không cố gắng hết mình. Với thách thức này, Minh đã tập trung rất nhiều cho đề án của mình, tích cực trao đổi ý kiến với tôi, chủ động nghiên cứu và tìm kiếm các thông tin liên quan. Và kết quả là, đề án lần này của Minh nổi bật hơn những đề án lần trước. Minh cũng trưởng thành hơn và bạn học được rất nhiều qua thử thách này. Quan trọng hơn, những thành viên khác trong nhóm vẫn luôn ủng hộ Minh. 

Cấp độ nhóm

Khi một nhóm tập hợp bởi những cá nhân có khả năng cạnh tranh cao, nhóm đó sẽ luôn dẫn đầu – dĩ nhiên họ phải có một lãnh đạo giỏi. Đây cũng là nền tảng của một đội ngũ chất lượng cao. 

Phòng kinh doanh của chúng tôi được chia làm nhiều nhóm nhỏ. Mỗi nhóm khoảng 5-7 bạn, được dẫn dắt bởi một trưởng nhóm. Từ khi lãnh đạo phòng kinh doanh đưa ra giải thưởng hàng tháng, hàng quý cho các cá nhân và nhóm xuất sắc; không khí cạnh tranh giữa các nhóm sôi động hẳn. Các cô gái của chúng tôi luôn hướng đến chiếc cup “Best Team of the month”, và đã có nhóm đoạt cúp vĩnh viễn nhờ 3 tháng liên tiếp dẫn đầu. Bằng cách tạo ra những phần thưởng khuyến khích, chúng tôi đã tạo nên một cuộc cạnh tranh giữa các nhóm. Từ đó, chúng tôi cũng đã phát hiện ra những “ngôi sao” sáng nhất để đào tạo và phát triển thành những thành viên chủ chốt. Và dĩ nhiên, kết quả kinh doanh nhờ vậy cũng tốt hơn rất nhiều.  

Cấp độ công ty

Tôi tin rằng, khi một doanh nghiệp có những thành viên và lãnh đạo có tính cạnh tranh cao, khả năng dẫn đầu của doanh nghiệp đó trong lĩnh vực của họ sẽ cao hơn.

Con người luôn là yếu tố cốt lõi của một doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh, giá trị cốt lõi, vốn kinh doanh hay sản phẩm, đều do con người tạo ra. Chỉ khi con người trong doanh nghiệp mong muốn dẫn đầu, khát khao chiến thắng; họ mới có thể cùng nhau tạo nên chiến thắng. 

Tuy nhiên, cạnh tranh có thể là con dao hai lưỡi. Tạo ra một môi trường cạnh tranh để phát triển; nhưng nếu thiếu mục tiêu và một kế hoạch rõ ràng, khả năng kiểm soát; môi trường đó có thể biến thành “chiến trường” và những nhân tài thật sự sẽ ra đi vì họ không còn muốn cống hiến và phát triển. Với vai trò lãnh đạo, chúng ta cần tạo ra một sân chơi thoải mái nhưng phải có định hướng rõ ràng. Quan trọng hơn, chúng ta cần chọn đúng người chơi trước khi tạo sân chơi. Do đó, chúng ta cần phải dành đủ thời gian và đầu tư thật sự cho việc tuyển đúng người chúng ta cần. 

Hà Huệ Chi 
Giám đốc Marketing và Tác nghiệp (Marketing and Operations) – VietnamWorks